Nhằm xây dựng Đồng Tháp thành điểm đến hấp dẫn, ngành du lịch Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút 4,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 130.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm; tổng thu du lịch đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm.
Với lợi thế và tiềm năng vốn có, cảm hứng làm du lịch từ sen dần được hiện thực hóa tại nhiều nơi ở Đồng Tháp. Qua đó, góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa Đồng Tháp nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung.
Trong những năm qua, tỉnh đã phát triển gần 100 điểm du lịch cộng đồng, tập trung ở các huyện Lai Vung, thành phố Cao Lãnh và huyện Tháp Mười.
Nổi bật ở huyện Lai Vung có các điểm tham quan du lịch miệt vườn, làng nghề, cơ sở làm thủ công mỹ nghệ và 1 homestay; thành phố Sa Đéc có 5 điểm tham quan, vui chơi giải trí tại Làng hoa Sa Đéc và 3 homestay; tại thành phố Cao Lãnh có Làng du lịch cộng đồng Cồn Tân Thuận Đông, Làng bích họa hữu Nghị Việt-Úc, Cơ sở trồng đinh lăng Mộc Gia Phát, Cơ sở sản xuất Đông Trùng Hạ thảo An An, Homestay Hai Tánh.
Huyện Tháp Mười có các điểm trồng sen. Diện tích trồng sen tại địa phương khoảng 300 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Kiều, Mỹ Hòa. Hiện huyện có Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười khoảng 40ha, là điểm đến của nhiều du khách yêu thiên nhiên, nhất là sen.
Tại đây, địa phương chú trọng tuyên truyền các hộ dân phát triển cơ sở lưu trú gắn với sinh thái, ẩm thực từ sen. Bên cạnh đó, các điểm dừng chân, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp dần được hình thành dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho cộng đồng dân cư.
Sự cộng hưởng giữa sinh kế nông nghiệp trồng sen và dịch vụ du lịch đem lại rất nhiều lợi ích như tạo thêm việc làm cho chính các nông hộ trồng sen và người dân địa phương trong quá trình tổ chức và thực hiện dịch vụ cho du khách (đặc biệt là vào mùa nông nhàn); hoàn thiện dần các năng lực và kiỹ năng phục vụ, chủ động tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống để tái tạo, khôi phục nhằm tăng tính hấp dẫn phục vụ du khách…
Từ thế mạnh đặc trưng, Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều ý tưởng khai thác phát triển du lịch gắn với sen như: “sen lên phố,” tổ chức cho khách tìm hiểu đặc điểm sinh học và sự phong phú của các giống loài sen, khai thác tuyến du lịch tham quan đồng sen và các giá trị ẩm thực từ sen, cho du khách trải nghiệm thực hành quy trình sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng thực phẩm đồ uống đóng gói, tổ chức sự kiện kích cầu du lịch gắn với sen…
Đồng thời, tại mỗi nơi đến, du khách tham quan rất dễ dàng tiếp cận với mặt hàng đặc sản địa phương liên quan đến sen như hạt sen, trà sen, rượu sen, sữa sen… và biểu tượng bé sen.
Bên cạnh giá trị kinh tế, sen chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu tượng về mặt văn hóa tâm linh, là biểu tượng văn hóa cho tính hướng thiện, sự thuần khiết và thanh tao.
Đây là cơ sở để định vị xây dựng giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị du lịch tâm linh gắn với sen tại Khu Di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười nói riêng, Đồng Tháp nói chung.
Được biết, theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 và trong các giai đoạn tiếp theo, thông điệp quảng bá du lịch của tỉnh là “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen.”
Riêng tại Tháp Mười sẽ định vị du lịch nơi đây là vương quốc sen, văn hóa tâm linh và thiền. Theo đó, địa phương cần quy hoạch diện tích trồng sen; xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch liên quan đến sen như ngắm cảnh, trải nghiệm các sản phẩm đa dạng từ sen (củ, hạt, lá, ngó…).
Mặt khác, cần tạo tính cộng hưởng của hệ giá trị tâm linh nổi bật từ sen với thế mạnh vốn có của di tích khảo cổ văn hóa, lịch sử của Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp; đồng thời, thời gian tới phải đầu tư xây dựng những công trình văn hóa để thu hút khách du lịch mỗi dịp đặt chân đến Đất Sen hồng.
Th. Hân, H. Hải, Bích Thủy