Dự án điện mặt trời 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Theo đó, nhà đầu tư không chỉ làm nhà máy điện mà phải đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 KV - đường dây 500KV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.

Theo tính toán ban đầu, dự án sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án điện mặt trời 450MW nhằm bù đắp chi phí của nhà đầu tư đã xây dựng trạm 500KV.

Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 277,88 trên tổng công suất 450MW của dự án có giá bán điện. Kể từ 0h00 ngày 5/3/2022, dự án này bị dừng khai thác đối với phần công suất 172MW chưa có cơ chế giá bán điện, tương ứng với 40% công suất của nhà máy điện này.

Việc không được huy động hơn 172MW đang khiến phương án tài chính của dự án này bị ảnh hưởng nặng nề. 

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công Thương ngày 25/2, Tập đoàn Trung Nam cho rằng: Khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của EVN đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế và như vậy sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay. Trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV do chính nguồn vốn của nhà đầu tư đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất. Đây là một thiệt thòi quá lớn và không công bằng cho nhà đầu tư.

Bộ Công Thương đang đề nghị Ninh Thuận chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư điện mặt trời Trung Nam khẩn trương có phương án điều chỉnh thiết kế xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình và các thủ tục pháp lý theo quy định.

Ngày 8/3, Ban Dân nguyện đã chủ trì, phối hợp với một số cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và các bộ, ngành có liên quan về việc dừng huy động phần công suất 172MW này.

Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, theo đó, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh (thấp hơn gần một nửa so với mức giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh cho các dự án vận hành trước năm 2021).

Phần công suất 172MW chưa có giá của điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam sẽ phải thực hiện đàm phán giá với EVN. Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW khi chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật.

Theo EVN, căn cứ theo Thông tư số 15 ban hành quy định về cách tính khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp mà không đáp ứng được các cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 13 và Quyết định 37 liên quan đến điện gió và điện mặt trời; Quyết định 21 của Bộ Công thương về khung giá cho các dự án chuyển tiếp này, ngày 16/2, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã mời Công ty Trung Nam - Thuận Nam họp bàn và thống nhất việc triển khai Thông tư 15, Quyết định 21.

Tại cuộc làm việc, hai bên đã thống nhất là 172,12 MW chưa được huy động nằm trong danh mục các công suất chuyển tiếp thực hiện theo quy định trong Thông tư 15 và Quyết định 21. Như vậy, phần công suất này sắp tới có được huy động hay không phụ thuộc vào tiến độ đàm phán giá giữa Trung Nam và EVN.

Hết thời giá cao, điện gió lo tương lai "bay theo gió"Kể cả khi kịp vận hành, nhiều dự án điện gió cũng phải đối mặt với chi phí vận hành đắt đỏ và sửa chữa phức tạp. Còn với dự án lỡ hẹn giá ưu đãi, nhà đầu tư đang “ngồi trên lửa” nhìn số phận đống tài sản không biết sẽ ra sao.