Với kiểu khí hậu đặc trưng khô nóng quanh năm, lượng mưa ít nhất cả nước, Ninh Thuận từ lâu đã trở thành "thủ phủ" về điện gió. 

Tuy nhiên, ở dọc quốc lộ 1A đoạn ngang qua Ninh Thuận là cảnh hàng chục turbine gió, với mỗi turbine lên đến trăm tỷ đứng im, phơi mưa nắng suốt hơn 1 năm nay. Sự lãng phí nguồn lực được cho là rất lớn.

Dự án của Công ty CP Điện gió Hanbaram (Ninh Thuận) là một trong những dự án bị chậm giá ưu đãi (FiT). Do chưa đưa vào vận hành trước khi giá FiT hết hiệu lực vào 31/10/2021, nên hơn 20 turbine của dự án này không thể quay, không được bán điện cho EVN. 

Nhà máy điện gió Hanbaram có công suất 117MW với 29/29 trụ turbine, khởi công từ tháng 10/2020, đến ngày 31/10/2021 đã lắp đặt và kết nối 29/29 trụ turbine; hoàn thành toàn bộ đường dây và trạm biến áp để sẵn sàng đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia. 

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chỉ 6/29 trụ (20% công suất) của nhà máy được công nhận vận hành thương mại (COD) vào thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, còn 23 trụ (80%) đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận COD do Quyết định 39 hết thời hạn và chưa có chính sách tiếp theo. Công ty này từng có văn bản gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành để nêu những khó khăn do dự án lỡ hẹn giá ưu đãi. 

"Nhiều người không biết thì bảo vì trời không đủ gió nên turbine không quay nhưng thực ra không phải. Nhà đầu tư họ cho dừng từ rất lâu rồi. Thậm chí có những trụ từ khi xây xong còn chưa được hoạt động", bà Dương Tám (bên trái, sinh sống gần khu vực lắp điện gió) nói.

Cuộc đua nước rút về việc xây dựng những công trình điện gió với quy mô lớn diễn ra một vài năm trước đây. Nhiều nhà đầu tư "chậm chân", không đưa dựa án vào vận hành để hưởng giá ưu đãi đành ngậm ngùi chờ chính sách của Bộ Công Thương và Chính phủ. Hiện nay, các dự án thuộc diện này sẽ phải đàm phán giá với EVN.

Song, việc đàm phán đang gặp phải nhiều vướng mắc. Nhà đầu tư cho rằng mức giá trần để đàm phán mà Bộ Công Thương đưa ra (giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh) là rất thấp, "cách quá xa" với mức giá ưu đãi hơn 1.900 đồng/kWh áp dụng cho dự án vận hành trước 1/11/2021.

Bởi vậy, mặc dù Bộ Công Thương đã thúc giục Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn tất đàm phán với 85 chủ đầu tư dự án năng lượng sạch chuyển tiếp trước 31/3 để sớm đưa vào vận hành nhưng đến 15/4, mới có 25 nhà đầu tư gửi hồ sơ, chuẩn bị cho đàm phán giá.

Các chuyên gia cho rằng việc các doanh nghiệp mong muốn có mức giá đàm phán đảm bảo dự án có lãi là chính đáng. Tuy nhiên việc đàm phán cần trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng điện.

Hết thời giá cao, điện gió lo tương lai "bay theo gió"Kể cả khi kịp vận hành, nhiều dự án điện gió cũng phải đối mặt với chi phí vận hành đắt đỏ và sửa chữa phức tạp. Còn với dự án lỡ hẹn giá ưu đãi, nhà đầu tư đang “ngồi trên lửa” nhìn số phận đống tài sản không biết sẽ ra sao.