Hội thảo về vai trò của kinh tế nền tảng (platform economy) trong nền kinh tế số vừa được Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech For Good Institute, gọi tắt là Viện TFGI) tổ chức ngày 6/12.
Tại sự kiện, các chuyên gia nhận định kinh tế nền tảng đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nền tảng, đồng thời vẫn còn những dư địa khác có thể khai thác.
Sự góp mặt của các nền tảng giúp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia kinh tế số. (Ảnh: Hải Đăng) |
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, CEO Grab Việt Nam, đánh giá trong hai năm Việt Nam hứng chịu Covid-19, công nghệ góp phần lớn duy trì cuộc sống hàng ngày của người dân. Nhờ sự tiện lợi của việc giao hàng hoá, thức ăn, thương mại điện tử mà người dân trong thời gian ở nhà tránh dịch vẫn có thức ăn ngon, có hàng hoá để mua sắm và trao đổi.
Các nền tảng gọi xe, ứng dụng thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có công việc kinh doanh trong dịch, không bị gián đoạn, hạn chế tình trạng phải đóng cửa.
Song song đó, chính phủ Việt Nam rất chú trọng và ưu tiên chuyển đổi số trên mọi ngành nghề, nền kinh tế số tiếp tục là động lực để phát triển kinh tế nói chung.
Sự kết hợp giữa công nghệ và chính sách như trên tạo cơ hội lớn để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể chuyển đổi số, đồng thời trở thành một thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Trong sự kiện này, công ty nghiên cứu Bain & Company kết hợp với Viện TFGI công bố báo cáo về kinh tế nền tảng tại khu vực Đông Nam Á, tập trung vào thị trường Việt Nam.
Về tổng quan, báo cáo nhận định Việt Nam thích ứng tốt với kinh tế số, tuy nhiên vẫn còn những khu vực chưa được khai thác hết, còn dư địa phát triển.
Bain & Company nhận định những nền tảng O2O (offline to online) như Grab, Gojek, AirBnB, Traveloka, Shopee,... đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số nói chung, giúp cuộc sống người dân tiện nghi hơn.
Tại Việt Nam, 8/10 người khẳng định thường xuyên sử dụng các nền tảng hơn so với 1-2 năm trước. 77% cho rằng các nền tảng có tác động tích cực vào chất lượng cuộc sống thường ngày.
Hầu hết người tham gia khảo sát (từ 70-90%) đồng ý rằng các dịch vụ gọi đồ ăn, thương mại điện tử, gọi xe, thanh toán số giúp cuộc sống thoải mái hơn, nhất là trong giai đoạn Covid-19.
Báo cáo cũng đưa ra Chỉ số tiến bộ kinh tế mới trên toàn khu vực, nhằm giúp các nhà hoạch địch chính sách có cái nhìn tổng quan về kinh tế nền tảng.
Có 4 yếu tố được đưa vào để tính toán chỉ số, bao gồm: hạ tầng số, hạ tầng vật lý, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia số hoá, tỷ lệ người dân tham gia trên nền tảng số.
Tổng hợp 4 yếu tố trên, báo cáo đánh giá chỉ số tổng quan của Việt Nam đạt 41%. Trong đó, điểm cao nhất thuộc về những tiến bộ về hạ tầng số (51%), do có 57% dân số là thuê bao Internet di động, 77% trong số này sử dụng ví điện tử.
Dù vậy, báo cáo nhận định hạ tầng vật lý cần được cải thiện. Hiện nay chỉ 18% dân số khu vực thành thị được hưởng việc giao hàng trong ngày. Do đó, còn một bộ phận rất lớn đang cần được phục vụ tính năng giao hàng nhanh.
Thêm vào đó, quy mô ngành thức ăn và bán lẻ trực tuyến mới chiếm 4% trên tổng thị trường ẩm thực và bán lẻ, do đó còn dư địa rất lớn để khai thác.
Cũng trong hội thảo này, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế nền tảng nói riêng và kinh tế số nói chung rất lớn. Điều này là do nhận thức về chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 được quán triệt rõ ràng trong chính sách của nhà nước và Chính phủ. Song song đó, người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số nhờ các thông điệp được truyền tải thường xuyên trên báo chí, truyền thông.
Tuy vậy, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhận định khung hành lang pháp lý không chỉ tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới chưa bắt kịp với sự thay đổi, tạo rào cản cho nền kinh tế số và kinh tế nền tảng. Do đó, để người dân, doanh nghiệp, Chính phủ được hưởng lợi từ các hình thức kinh tế mới này cần có sự đối thoại giữa các bên để thấu hiểu và tìm giải pháp.
Hải Đăng
Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số Việt Nam
Trong lúc du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, thương mại điện tử bứt lên để trở thành động lực cho nền kinh tế số tại Việt Nam trong năm nay.