Thuộc bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp, Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm của tác giả Lê Minh Quốc là nguồn tư liệu quý giúp bạn đọc khám phá vẻ đẹp của “linh hồn tiếng Việt” qua nhiều bối cảnh sinh động, từ văn chương đến đời sống hội nhập ngày nay. 

“Dám nói rằng, dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?” - mở đầu cuốn sách bằng câu văn sắc sảo, tác giả Lê Minh Quốc khẳng định sự phong phú, thâm thúy và uyển chuyển của tiếng Việt khiến cho người nói tiếng mẹ đẻ cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên sự khéo léo, nét tình cảm và cái duyên riêng, làm nên bản sắc và sự đa dạng của tiếng nước ta.

z5693250897128_0eddca3aca180dbd1e67931c65939ace.jpg

Bản sắc bất biến của tiếng Việt nằm trong chính sự biến hóa được thể hiện qua hai chữ “lắt léo và lịch lãm”. Qua tập sách, Lê Minh Quốc giúp người đọc hiểu được cái tài tình và ý tứ trong lời ăn tiếng nói của dân tộc, từ đó thêm trân trọng và phát huy vốn quý này: “Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, tôi nghĩ, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại”.

Tựa như mọi ngôn ngữ khác trên toàn cầu, tiếng Việt nhất định phải thay đổi theo năm tháng. Vì vậy, khi vay mượn thêm vốn từ của dân tộc khác để làm giàu cho tiếng Việt thì cần chấp nhận và chịu sự chi phối theo cách sử dụng của người Việt. Thế nhưng, tác giả hoàn toàn đồng thuận với nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo rằng “linh hồn của tiếng Việt không hề mất” bởi lẽ tiếng nói hay chữ viết là tài sản vô giá của một dân tộc. 

Tác giả cho hay: “Trong sự giao thoa với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi mường tượng tiếng Việt như con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, có khi bão táp, có lúc hội nhập, có khi hòa tan nhưng rồi chúng ta vững tin, không bao giờ chệch hướng. Bởi lẽ đã có “kim chỉ nam” là tài sản quý báu bậc nhất mà cha ông ta đã phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau chính là ca dao, tục ngữ, thành ngữ….”.

Trong Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm, Lê Minh Quốc đã dành ra bốn tiểu mục khác nhau để phân tích sự biến hóa phong phú của tiếng Việt. Điều này thể hiện cái tâm của chính tác giả - một người hết sức say mê tiếng Việt, muốn “gom góp” những gì mình biết, tìm hiểu và đào sâu đến hết mọi tài liệu có thể tìm thấy để đem chia sẻ với bạn đọc bốn phương. 

Những bài viết của tác giả có lối triển khai rất độc đáo. Chỉ với một từ ngữ, một câu thơ, tác giả sẽ liên tưởng đến rất nhiều từ ngữ và câu thơ khác. Người đọc bị cuốn theo với sự thích thú, không có cảm giác khô khan áp lực như khi đọc một cuốn sách nghiên cứu thuần túy.

Bằng lối triển khai độc đáo, Lê Minh Quốc dẫn dắt đầy ngẫu hứng từ ví dụ này qua ví dụ khác. Chẳng hạn, từ sự diễn giải của tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ về thành ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, tác giả sẽ dẫn dắt người đọc đi phân tích từ "già" trong rất nhiều bối cảnh khác nhau: con dì - con già, già chơi trống bỏi, trăng già, rồi chuyển sang so sánh với từ "non" trong trăng non, núi non...

z5693250783585_11e852bc6f314f20fdca92b99e00b392.jpg

Về việc việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ông Quốc cho rằng: “Điều đáng tiếc nhất khiến bản thân tôi cảm thấy âu lo là đang xuất hiện một thứ “tiếng Việt méo mó”, “tiếng Việt dị dạng”, “tiếng Việt nói ngọng” khi người người sử dụng hiểu tiếng Việt nhưng lại cố tình viết sai chính tả vì một lý do gì đó…”.

Ảnh: NXB Trẻ