- Hộ khẩu của gia đình tôi hiện đang ở tỉnh Bạc Liêu, nhưng nay tôi muốn nhập hộ khẩu cho con tôi (6 tuổi) ở TP.HCM với bác ruột cháu (anh trai tôi) để cháu có điều kiện học hành tốt hơn có được không? Nếu nhập hộ khẩu cho cháu được tôi cần phải làm những thủ tục gì? Xin được luật sư tư vấn.

TIN BÀI KHÁC:


Luật sư tư vấn:

Việc nhập hộ khẩu cho con của bạn vào nhà bác ruột cháu tại TP.HCM là được, nếu tuân thủ các quy định về việc nhập hộ khẩu theo pháp luật hiện hành. Cụ thể, bạn phải thực hiện đăng ký tạm trú cho cháu tại địa phương nơi có hộ khẩu của người bác. Sau thời hạn tạm trú 1 năm trở lên, bạn có thể tiến hành đăng ký hộ khẩu thường trú. Do cháu là trẻ em, nên khi thực hiện các thủ tục trên cần có văn bản đồng ý của cha mẹ và của người bác. Đồng thời phải chứng minh mối quan hệ nêu trên. Chi tiết các quy định như sau:

Ảnh minh họa
Theo Điều 20 Luật Cư trú quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như sau: “Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.

Theo Điều 6 Nghị định 107/2007/NĐ-CP có quy định thời hạn đăng ký thường trú như sau: “Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú”.

Thủ tục đăng ký tạm trú và thủ tục đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cũng được quy định chi tiết theo Điều 21 Luật cư trú và Điều 16 Thông tư số 52/2010/TT-BCA:

Điều 21. Thủ tục đăng ký thường trú
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại công an huyện, quận, thị xã;
...
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm: a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của luật này.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 16. Thủ tục đăng ký tạm trú
1. Hồ sơ đăng ký tạm trú, bao gồm: a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu.

b) Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở). Đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.

2. Người tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc chủ hộ đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì việc đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

3. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.

Đức Toàn (ghi)

Tư vấn bởi LS. Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật (ĐT: 0906633168 - 08.62906420).

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).