Trong hơn hành trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về điện nông thôn đã không ngừng được đầu tư với phương châm “điện luôn đi trước một bước”, từ đó đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và bảo đảm vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư.

Đặc biệt, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, việc phát triển hệ thống lưới điện nông thôn đã làm "thay da đổi thịt" bộ mặt nông thôn Việt Nam. Điện lưới nông thôn đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo đã tiếp cận với những thông tin, tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế địa phương.

W-nganhdien.png
Điện lưới nông thôn đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo đã tiếp cận với những thông tin, tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế địa phương.

Tại Phú Thọ, điện là một trong 19 tiêu chí của xã nông thôn mới, đồng thời cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng, hỗ trợ và thúc đẩy các tiêu chí khác hoàn thiện. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống lưới điện nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra và tập trung triển khai nhằm để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Từ chỗ là tỉnh có tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng điện thấp, tính đến nay, 100% số khu dân cư có điện và hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia là kết quả từ Chương trình điện khí hóa nông thôn được Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai trong nhiều năm nay. Đặc biệt, với các huyện có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc, việc phát triển hệ thống điện nông thôn không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn gắn kết giữa các dân tộc.

Với Sơn La, nhiệm vụ cấp điện nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, là chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La đã đầu tư cấp mới cho 16.528 hộ dân; nâng cấp điện an toàn cho 1.012 hộ dân; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020.

Những kết quả này đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kinh tế 5,46% của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng năm 2020 đạt 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh, thành vùng trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành điện lực Lạng Sơn đã tập trung đầu tư cho các dự án điện, trong đó, nổi bật là dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 100% số xã có điện; số thôn bản đã có điện là 1.662/1.662 đạt 100%. Số hộ dân đã có điện toàn tỉnh là 202.600/203.134 hộ, đạt tỷ lệ 99,74%, trong đó tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia là 99,65%; số hộ dân nông thôn chưa có điện là 530 hộ bằng 0,35%.

Tính đến 31/12/2023 trên toàn tỉnh Lạng Sơn có 154/181 xã đạt tiêu chí số 4 nông thôn mới về điện bằng 85%, tăng 32 xã so với năm 2022, còn lại 27 xã chưa đạt tiêu chí 4. (trong đó chỉ đạt tiêu chí 4.1 là 02 xã; chỉ đạt tiêu chí 4.2 là 24 xã và chưa đạt cả 2 tiêu chí là 01 xã). Năm 2023, tổng số 10/10 xã theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã thực hiện xong và 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao đều đã đạt tiêu chí 4, tiêu chí 4 nâng cao về điện.

Những thông tin trên là minh chứng sống động cho thấy, việc đưa điện lưới quốc gia đến với các vùng nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Điện khí hoá nông thôn giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình nông dân, đã cải thiện đời sống văn hoá, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới.