Ngày 16/2, Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945 - 2015 (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội thảo khoa học "Bài học kinh nghiệm của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế xã hội".
PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Nội vụ cho biết, việc biên soạn bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945-2015 có ý nghĩa quan trọng nhằm phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, chính xác, trung thực, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.
Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thứ trưởng Triệu Văn Cường, vai trò, vị trí của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế qua mỗi thời kỳ đã khẳng định việc chủ đạo trong hoạch định chính sách về kinh tế nhằm điều tiết và tạo thuận lợi có hiệu quả, khắc phục sự thất bại của thị trường, tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và cá nhân...
“Thành công của Việt Nam trong việc chuyển đổi nhanh chóng thành quốc gia có thu nhập cao sẽ phụ thuộc vào việc tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội một cách có hiệu quả”, Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Hãy làm đúng việc của mình
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ - TS. Thang Văn Phúc khái quát lại lịch sử từ 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng vẫn còn “rón rén”. Đến năm 2011, Hiến pháp mới chính thức để cập đến “kinh tế thị trường”, và được khẳng định rõ nhất trong Hiến pháp 2013.
“Chúng ta phải đánh giá giá trị của các giai đoạn này để rút ra bài học. Đó là ý chí mạnh mẽ hay là xác định đường lối, lựa chọn mô hình phát triển”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, chúng ta nhận thức rất sớm nhưng hành động còn chậm. Chính vì thế đến giờ GDP bình quân đầu người mới gần 4.000 USD/người, bằng 1/10 so với các nước phát triển trung bình. Cho nên, bài học lớn nhất là phải chốt mô hình phát triển phù hợp trong giai đoạn phát triển mới.
Theo ông Thang Văn Phúc, phân cấp phân quyền như là một yếu tố tất yếu. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ tiếc nuối khi việc này vẫn làm chậm chạp. Trong khi từ năm 2004, Bộ Nội vụ đã tham mưu nghị quyết 08 về phân cấp trên 7 lĩnh vực trọng yếu.
Thực tế, nhiều việc địa phương cần phân quyền đủ mạnh và phù hợp để hành động.
“Hãy làm đúng việc của mình. Đây là tư tưởng rất mạnh mẽ của chương trình cải cách hành chính tổng thể giai đoạn một. Đó là tách một cách kiên quyết quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đừng biến các bộ trở thành bộ của các doanh nghiệp. Tách quản lý Nhà nước với sự nghiệp công, đừng biến các bộ thành bộ của các trường đại học, các bệnh viện, các cơ quan đơn vị sự nghiệp”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ lưu ý.
Ông cũng cho biết, điều này đã được Bộ Nội vụ đề cập từ năm 2001 nhưng đến giờ vẫn chưa làm được. Chính phủ, Nhà nước chỉ làm đúng việc của mình, còn lại là việc của thị trường, của doanh nghiệp. Hội đồng lý luận Trung ương cần nghiên cứu hoạch định rõ vấn đề này, giúp cho Trung ương, Chính phủ ra bài cho tốt.
“Thậm chí, chúng tôi đã từng nói cần thiết có một đề án lớn có thể chi 100 tỷ đồng cho việc hoạch định những việc gì Trung ương làm, việc gì tỉnh làm, việc gì của huyện làm cho rõ”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Thể chế phù hợp, kinh tế phát triển
TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ nêu 5 bài học kinh nghiệm:
Một là nền kinh tế vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan, việc chỉ đạo và điều hành kinh tế của Chính phủ về cơ bản tuân thủ quy luật này. Hai là, phải có một hệ thống thể chế kinh tế phù hợp mới tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Ba là, một mình thể chế kinh tế không đủ, mà muốn phát triển kinh tế đòi hỏi một hệ thống thể chế đồng bộ, trước hết gắn với đó là thể chế hành chính, văn hóa, xã hội.
Bốn là, Nhà nước không nên và không thể nắm trực tiếp được nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của nền kinh tế quốc dân mà phải phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Năm là, người đứng đầu Chính phủ có vai trò quan trọng trong hoạch định thể chế, chính sách phát triển kinh tế của đất nước. Bởi sự thành công hay thất bại trong phát triển kinh tế thời gian qua đã chứng minh cho nhận định này.
“Thể chế tốt hay không một phần rất quan trọng phụ thuộc vào vai trò người đứng đầu”, ông Hòa đúc kết.