Tại buổi làm việc nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới vừa được tổ chức bởi Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), nhiều thông tin quan trọng liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật trên môi trường không gian mạng Việt Nam đã được đưa ra bàn thảo.
Theo đó, cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo, không kiểm soát được hoạt động đăng quảng cáo trên các clip và hành vi cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp của YouTube, Google mà không thông qua đại lý quảng cáo trong nước là những sai phạm lớn của 2 nền tảng này tại Việt Nam.
Buổi làm việc được Bộ TT&TT tổ chức nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. |
Ngoài ra, những sai phạm này còn đến từ các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam, những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên YouTube, Google, các công ty mạng lưới MCN (Multi-channel Network) của YouTube và chính bản thân các nhà sáng tạo nội dung YouTube.
Bộ TT&TT sẽ mạnh tay để buộc Google, YouTube tuân thủ pháp luật Việt Nam
Trước tình trạng các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào.
Với các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Google, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi đến đây làm ăn, thu tiền và trở nên giàu có, Google và YouTube cũng phải đóng góp công sức, góp phần cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn.
Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo đó, Chính phủ sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà nước để tìm cách ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc.
Nhắn gửi tới YouTube, Google, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. Không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu”.
“Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khách hàng, nhưng lại đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn các nội dung xấu độc. Các bạn phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu những người Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Người Việt Nam phải làm chủ không gian mạng Việt Nam
Trong thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục PTTH&TTĐT. Tuy nhiên do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như cóc bỏ đĩa.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Tương lai, số phận đất nước chúng ta, tương lai con cháu chúng ta không thể chỉ trông mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp nào đó, của một ai đó. Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thay vì chờ mong sự tốt bụng của người khác, người Việt Nam phải tự làm chủ không gian mạng Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo đó, để “quét rác” và làm sạch không gian mạng, luật sẽ phải ra những quy định xử lý người “xả rác", ở đây là các nhà sáng tạo nội dung, chủ sở hữu của những video, clip xấu độc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ “quét rác". 95-99% không gian mạng phải được dọn dẹp bởi 2 đối tượng này. Chính quyền sẽ chỉ lo xử lý với phần còn lại.
Không gian mạng Việt Nam là môi trường sống của các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, của báo chí trong nước và của người Việt Nam. Bởi vậy phải chung tay làm sạch môi trường này, “quét rác” mỗi ngày. Môi trường này mà sạch thì thương hiệu của các doanh nghiệp mới sạch, con cháu chúng ta mới được an toàn.
Chia sẻ với các doanh nghiệp có mặt trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích sự phát triển lớn mạnh của các nền tảng nội dung số Việt Nam. Chính phủ sẽ chấm dứt tình trạng bảo hộ ngược, tạo ra môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, trong nước cũng như nước ngoài.
Bộ TT&TT sẽ có hẳn một cơ quan hỗ trợ cho sự phát triển của các nền tảng này. Đó là nơi mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đề xuất các chính sách hỗ trợ.
Với các doanh nghiệp, nhãn hàng đang có hoạt động quảng cáo thường xuyên trên Google, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp này chuyển sang mua quảng cáo của các nền tảng Việt Nam, giúp các doanh nghiệp sạch phát triển.
Bên cạnh việc khuyến khích các công ty công nghệ trong nước cho ra đời những công cụ giám sát môi trường mạng Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng sẽ hối thúc các bộ, ngành có liên quan hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trọng Đạt