Nói về khoa học công nghệ Triều Tiên, người ta hay hình dung ra một đất nước nghèo khó nhưng vẫn dốc tiền vào những cuộc chơi đắt đỏ như vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo...
Nhưng Triều Tiên không chỉ tự chế tạo được nhiều loại vũ khí (Dù đây có lẽ là điều gây ấn tượng mạnh nhất về đất nước này). Bên dưới màu sắc có vẻ mờ nhạt và ảm đạm của các khu nhà xưởng là một nền công nghiệp nội địa không đến mức lạc hậu như nhiều người nhầm tưởng. Thậm chí, Triều Tiên còn có những sản phẩm xa xỉ như ô tô, máy tính bảng "made in DPRK".
Xe ô tô Triều Tiên tự sản xuất
Một tấm biển quảng cáo cho nhãn hiệu ô tô nội địa của Triều Tiên |
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô và phương tiện công cộng ở Triều Tiên còn tương đối kém phát triển, do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, vật liệu sản xuất và lệnh trừng phạt gây cản trở cho việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn sở hữu hai công ty sản xuất và buôn bán ô tô trong nước nhờ vào việc hợp tác với công ty Hàn Quốc và nguồn vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Một trong số đó là Pyong-hwa Motors, được phép độc quyền sản xuất và phân phối các mẫu SUV, bán tải, minivan...
Mẫu xe hạng sang Jun-ma của Pyong-hwa Motors. Ảnh: autoweek.com |
Pyong-hwa Motors đã cho ra đời vài mẫu xe như Jun-ma, Hwi-pa-ram, Bbeok-ku-gi, Pronto... có thiết kế tương đối hoàn thiện và chỉn chu, cho thấy trình độ thiết kế và sản xuất khá gần với các hãng tầm trung trên thế giới.
Mẫu Pronto của Pyong-hwa Motors xuất hiện trên phố Việt Nam vào 2012. Ảnh: Wikipedia |
Do có rất ít người dân đủ khả năng mua một chiếc ô tô riêng, sản lượng ô tô hàng năm của Pyong-hwa rất thấp: chỉ khoảng 10.000 xe một năm theo số liệu từ Business Insider. Ngoài ra, Triều Tiên còn có khả năng tự sản xuất phương tiện công cộng như xe buýt (xí nghiệp xe buýt Chong-jin, xí nghiệp Bình Nhưỡng) và tàu điện (xí nghiệp đường sắt Kim Jong-tae).
Xe buýt Chollima-091 do xí nghiệp Bình Nhưỡng sản xuất. Ảnh: Wikipedia |
Mạng viễn thông "người Triều Tiên dùng hàng Triều Tiên"
Mang cái tên đậm chất Triều Tiên, Koryolink chính là mạng viễn thông duy nhất ở đất nước khép kín này. Người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng và 5 thành phố lớn khác được sử dụng điện thoại di động và mạng 3G nội bộ (intranet - không kết nối với Internet của thế giới).
Người dân dùng điện thoại ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Wikipedia |
Theo tạp chí công nghệ Network World, Koryolink vốn là dự án hợp tác giữa Bộ Bưu chính Viễn thông Triều Tiên và công ty viễn thông Orascom Telecom đến từ Ai Cập (nay là công ty cổ phần Global Telecom).
Vượt qua thời gian đầu khó khăn, Koryolink dần thu hút lượng người dùng ấn tượng trong đất nước kiểm soát luồng thông tin chặt chẽ như Triều Tiên. Mạng viễn thông này ghi nhận con số 3 triệu người dùng và kinh doanh có lãi năm 2015, sau nhiều năm nỗ lực trong một thị trường nhiều hoài nghi và luôn đóng chặt cửa.
Thế nhưng, do gặp trở ngại trong việc chuyển lợi nhuận về cho công ty mẹ Orascom, chính phủ Triều Tiên đã từ chối hợp tác và thậm chí cho ra mắt mạng viễn thông thứ hai để cạnh tranh với Orascom.
Trước những rào cản trên, Orascom đã thương thảo không thành công việc sát nhập Koryolink với mạng viễn thông mới. Sau tất cả, Orascom đành tuyên bố mất quyền quản lý các hoạt động của Koryolink, và từ chối đưa ra bình luận.
Máy tính - máy tính bảng "Made in Triều Tiên"
Theo United Press International, hàng tiêu dùng điện tử xuất xứ trong nước thu hút nhiều sự chú ý của người dân Triều Tiên, với các dòng sản phẩm máy tính bàn, và máy tính bảng có bàn phím rời.
Tờ Chosun Sinbo - tờ báo tuyên truyền ủng hộ Bình Nhưỡng - công bố rằng một công ty Triều Tiên đang phát triển và sản xuất nhiều máy tính cho các trường đại học lớn trong nước. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng đưa tin về công ty Blue Sky chuyên sản xuất và kinh doanh máy tính cá nhân.
Một chiếc máy tính bảng sản xuất nội địa tại triển lãm ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị điện tử được đặt tại Bình Nhưỡng, trực tiếp cung cấp thiết bị cho trường ĐH Kim Il-sung, ĐH Công nghệ Kim Chaek và ĐH Khoa học Tự nhiên. Trong số những người dùng cá nhân có cả các nghiên cứu sinh sau đại học.
Thủ thư giám sát các máy tính trong thư viện ĐH Kim Il-sung. Phần mềm quản lý do Triều Tiên tự viết. Ảnh: AP |
Mặc dù còn nhiều dấu hỏi xoay quanh chất lượng và nguồn gốc thực sự của các sản phẩm này, không thể phủ nhận nỗ lực trong việc "tự cung tự cấp" và nâng cao chất lượng đào tạo của Triều Tiên. Gia tăng sản xuất và tiêu dùng nội địa cũng góp phần giúp chính quyền siết chặt gọng kìm quản lý lên người dân.
(Theo TTVN)