Tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, một số nông dân đang đau đáu với sự quyết tâm học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Với những nông dân này, học để ứng dụng trong sản xuất, để nắm bắt thị trường và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm giàu.
Ông Châu Văn Tính, xã Trường Thành, huyện Thới Lai được tham gia lớp tập huấn tin học, được hướng dẫn cách trồng, canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn trái.
Gia đình ông có hơn 8.000m2 đất chuyên trồng cây ăn trái, mỗi lần đến vụ thu hoạch thì chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm, giá bán mỗi lúc một bấp bênh. Vì nông dân cứ đến vụ thì thu hoạch, được giá hay không đều do thị trường quyết định. Còn trong canh tác thấy cây có bệnh thì phun thuốc, thiếu phân thì bón, nhưng phun thuốc và bón phân nhiều năng suất tăng đâu không thấy mà chỉ thấy tăng thêm chi phí sản xuất.
Thay đổi tư duy sản xuất là nhu cầu cần thiết đối với người nông dân, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà thu nhập tăng lên. |
Mấy chục năm qua, ông Tính cũng chưa lần nào nghĩ tới chuyện thay đổi tư duy sản xuất từ cái hiện có sang cái thị trường cần. Tuy nhiên, khi tham gia lớp tập huấn do địa phương tổ chức ông đã thay đổi hẳn, ông nhận thức được nếu muốn tồn tại cần thay đổi tư duy sản xuất, phải nắm bắt nhu cầu thị trường, canh tác những loại cây thị trường cần và hơn hết là phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra để thị trường đón nhận.
Nắm bắt thị trường để đưa sản phẩm tiến xa hơn, đó là điều mà ông Nguyễn Văn Nhen, ở huyện Thới Lai chia sẻ. Ông cho biết, việc tập huấn đã làm thay đổi tư duy sản xuất của ông mấy chục năm qua, không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường, giá cả mà ông còn nhận thức được sự thay đổi là để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.
Khi đó mới khẳng định được thương hiệu trái cây làm ra, vì thị trường hiện nay đã mở cửa đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập tràn về.
“Mình áp dụng vào vườn của mình có hiệu quả cao. Khi tìm hiểu trên mạng thấy nhiều thông tin để có thể áp dụng cho bản thân mình tốt hơn, từ giá cả, xuất khẩu về nước nào, kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế, thu nhập rồi đầu ra… Còn nếu chỉ nhìn góc độ địa phương, chỉ thấy vòng vòng thành ra thu nhập không cao, giá bán không đạt”, ông Nhen cho biết thêm.
Học để áp dụng vào sản xuất, khi thành công cùng nhau chỉ dẫn người khác để cùng làm giàu. Với nông dân Trịnh Hoàng Thôi, điều mà ông trăn trở là được tham gia lớp tập huấn hơi muộn, từ khi được tập huấn ông mới biết cách sử dụng máy tính, biết đến thị trường và biết được loại trái cây đang canh tác được người tiêu dùng và thị trường đón nhận ra sao, từ đó thay đổi sản xuất để không còn phải lo cảnh giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch.
Không thể phủ nhận, thay đổi tư duy sản xuất là nhu cầu cần thiết đối với người nông dân, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà là thu nhập tăng lên, giảm nghèo bền vững.
Thúy Tình
Ảnh: Hoài Thanh