Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc triển khai Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km với phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. 

w dji 0687 1 1513.jpeg
Thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Dự án được chia thành 8 dự án thành phần bao gồm: 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng do UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Đến cuối tháng 2, toàn bộ 8 dự án thành phần đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, với tổng mức đầu tư khoảng 68.728 tỷ đồng. Chính phủ cho biết, các dự án thành phần đều không tăng tổng mức đầu tư so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt, trong đó dự án thành phần 2 giảm 6.635 tỷ, dự án thành phần 4 giảm 15 tỷ.

Theo báo cáo của Chính phủ, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 654 ha với khoảng 1.355 hộ dân bị ảnh hưởng.

Về thu hồi đất, tổng diện tích đất đã thu hồi khoảng 535/654 ha (đạt 82%). Trong đó TP.HCM đã thu hồi 387/410ha (đạt 94%), tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 4/64ha (đạt 6%), tỉnh Bình Dương đã thu hồi 94/129ha (đạt 73%), tỉnh Long An đã thu hồi 50/51ha (đạt 98%).

Về phương án thu hồi vốn đầu tư dự án, Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhưng trong dự thảo Luật Đường bộ (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6) đã có quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc là tài sản công do Nhà nước đại diện sở hữu và quản lý.

w dji 0487 1 1516.jpeg
Thi công đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Đánh giá chung, Chính phủ cho biết công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công các dự án thành phần dự án đường Vành đai 3 TP.HCM theo cơ chế đặc thù đã rút ngắn thời gian thực hiện 1,5-2 năm so với các dự án xây dựng đường cao tốc giai đoạn trước đây.

Từ thời điểm Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến thời điểm khởi công cần khoảng 1 năm; từ thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đến nay (khoảng 8 tháng) đã hoàn thành 82% công tác giải phóng mặt bằng, phần công việc còn lại sẽ được các địa phương phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Tuy nhiên, Chính phủ lưu ý một số công việc cần triển khai quyết liệt hơn để đảm bảo tiến độ, như các dự án thành phần do UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương phê duyệt còn chậm so với kế hoạch.

z4493784725795 45bc004c8affe32631ce2ed0f2f4d458 1520.jpeg
Dự kiến, dự án hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam. 

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chính phủ cho biết các dự án thành phần do TP.HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đều bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của gói thầu khởi công, tính đến trước thời điểm khởi công ngày 30/6.

Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu do trong quá trình thực hiện kê biên, đền bù chưa xác định được nguồn gốc một số thửa đất; vẫn còn 169 hộ vắng chủ chưa kiểm đếm xong; trên địa bàn tỉnh đang triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM…

Hiện nay, diện tích giải phóng mặt bằng toàn Dự án đạt 82%, phấn đấu bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12.