binh dinh5.jpg
Tại Bình Định, FPT đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cho tỉnh trên cả ba trụ cột Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. 

Khai phóng tiềm năng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số

 Mới đây, trong khuôn khổ Phiên thảo luận “Các nền tảng, giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ xây dựng xã hội số và phát triển kinh tế số’ tại Bình Định, ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI, thuộc FPT Software), Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo, Đại học FPT Quy Nhơn đã đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện Đề án 06 qua bài tham luận “Đề án 06 và khai thác dữ liệu công dân phục vụ giám sát an ninh”.  

Thấu hiểu thực trạng và bám sát mục tiêu triển khai Đề án 06 - Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, FPT đã xác định chiến lược dữ liệu chính là chìa khóa quan trọng. FPT đã đề xuất chiến lược dữ liệu, phát kiến mô hình hạ tầng CNTT Made by FPT giúp các nhà lãnh đạo chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu, mang lại hạnh phúc cho người dân và doanh nghiệp dựa trên ba nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, hỗ trợ địa phương sử dụng tối đa, miễn phí tiện ích sẵn có của Đề án 06. Thứ hai, địa phương tạo dựng nền tảng ứng dụng sẵn có của doanh nghiệp. Thứ ba, đánh giá hiệu quả sử dụng của địa phương sau đó tư vấn xây dựng mới hoặc thuê dịch vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định luật đấu thầu đầu tư.

FPT đã đồng hành với hơn 30 tỉnh, thành phố triển khai giải pháp Công nghệ thông tin, mô hình tiện ích gắn với chủ trương Đề án 06. Hiện nay, Tập đoàn FPT đã xây dựng bộ mô hình số Made by FPT triển khai đề án 06 tại các tỉnh thành phố tập trung vào 5 khía cạnh: Điều hành trên dữ liệu thời gian thực; Hành chính giản tiện; Công dân số văn minh; Kinh tế - Xã hội an ninh, tiện ích và Dữ liệu Quốc gia liên thông, xác thực.

 FPT đã thiết kế hơn 40 mô hình tiện ích khai phá và tận dụng tiềm năng dữ liệu, thay đổi phương thức kết nối mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Đơn cử như trong lĩnh vực hành chính công, mô hình tiện ích của FPT đã hỗ trợ 90% thủ tục hành chính tại Hà Nội, Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng thực hiện hoàn toàn online.

 Tại Bình Định, FPT đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cho tỉnh trên cả ba trụ cột Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. Cụ thể, FPT đã đồng hành cùng tỉnh Bình Định chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) thông qua nền tảng công nghệ duy nhất; đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; triển khai Hệ thống camera điều hành giao thông được ứng dụng AI phân tích hành vi vi phạm của các phương tiện qua chốt; triển khai các chương trình đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số quy mô lớn; tư vấn triển khai các giải pháp y tế số, nông nghiệp số, doanh nghiệp số…

FPT muốn đưa 20.000 nhân sự công nghệ đến Bình Định

Với mong muốn góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Bình Định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công, thực hiện các giao dịch trên môi trường số, FPT đã cùng một số doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với Sở TT&TT Bình Định về việc phối hợp, triển khai, thúc đẩy chữ ký số trên địa bàn tỉnh.

 Theo đó, FPT sẽ hỗ trợ tỉnh Bình Định xây dựng các chính sách, các hoạt động truyền thông, tư vấn, giới thiệu về việc ứng dụng các giải pháp ký số, đặc biệt giải pháp ký số từ xa cho người dân trên địa bàn sử dụng trong các dịch vụ công của tỉnh.

Đồng thời, Tập đoàn cũng triển khai nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ người sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số như: Cung cấp miễn phí chứng thư số theo mô hình ký số từ xa cho người dân sử dụng trong các dịch vụ hành chính công trong vòng 1 năm kể từ ngày sử dụng.

FPT có khát vọng đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới. Năm 2021, Tập đoàn FPT đã ký thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, đây là những dấu mốc quan trọng để hiện thực hóa khát vọng này. Tập đoàn FPT sẽ đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số góp phần sớm đưa Bình Định trở thành tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số.

binh dinh1.jpg
FPT giới thiệu các giải pháp công nghệ với lãnh đạo tỉnh Bình Định. 

Theo phân tích của Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, Bình Định có tiềm năng vô cùng lớn của Bình Định - một vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cả về điều kiện tự nhiên, lẫn phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế, Bình Định ưu tiên dành gần 200ha đất ven biển để thành lập khu đô thị khoa học. Trong các cơ chế thu hút đầu tư thì đầu tư về khoa học được tỉnh đặt lên hàng đầu, đó là đầu tư cho tương lai. Bên cạnh đó, Quy Nhơn có lợi thế là một thành phố về khoa học và giáo dục, là nơi duy nhất của Việt Nam hàng năm có tới trên 25 hội nghị về khoa học cấp quốc tế, có trên 8.000 nhà khoa học tham dự mỗi năm và đã từng có 14 nhà khoa học đoạt giải Nobel từng về thăm và tham dự các sự kiện khoa học cấp quốc tế.

“Chúng tôi vui mừng nhận thấy lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm tới việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số toàn diện. Đặc biệt, đối với cơ sở hạ tầng như tuyến cáp quang quốc tế cập bờ tại Quy Nhơn có dung lượng lớn nhất từ trước đến nay. Với Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ, trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu  đây sẽ là nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập của 20.000 nhân sự công nghệ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương cũng như thu hút nhân lực quốc tế” ông Khoa nói.