W-benh-vien-bd-1.jpg
Các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo tiền đề tốt để hình thành thói quen không dùng tiền mặt giao dịch trong thời gian tới. 

Mặc dù tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn khá thấp nhưng việc các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như vậy sẽ tạo tiền đề tốt để hình thành thói quen không dùng tiền mặt trong thời gian tới tại các bệnh viện trong toàn tỉnh.

Sở Y tế cho biết, trong 11 tháng, các cơ sở đã thực hiện khoảng 110 nghìn lượt thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Tỷ lệ thanh toán cao nhất là Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh với khoảng 2.000 lượt, số tiền 380 triệu đồng (chiếm 29% tổng viện phí khám chữa bệnh); Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn có 300 lượt, hơn 800 triệu đồng (18%); Trung tâm y tế thành phố Quy Nhơn có 2.227 lượt, hơn 1,6 tỷ đồng (17%); Bệnh viện đa khoa tỉnh có khoảng 9.000 lượt, hơn 18 tỷ đồng (15%)… 

Tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 500-700 lượt bệnh nhân ngoại trú và 200 lượt bệnh nhân nội trú đến khám bệnh. Từ tháng 4/2018, bệnh viện đã triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hiện nay, tại bệnh viện đã đặt 8 máy POS tại nhiều vị trí như tại các quầy tiếp nhận- thu viện phí, các khoa, phòng… để người bệnh thuận tiện ứng dụng các thiết bị điện tử trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Việc thanh toán bằng tiền mặt phải trải qua quá trình kiểm đếm, lại mất nhiều thời gian, không bảo đảm an toàn; còn người bệnh khi thanh toán viện phí phải xếp hàng chờ đến lượt rất mất thời gian, nếu bệnh nhân xuất viện đông sẽ gây ùn tắc, quá tải tại các quầy thanh toán viện phí. 

Chính vì vậy, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện nói riêng và các cơ sở khám chữa, bệnh nói chung sẽ góp phần rút ngắn thời gian, bảo đảm an toàn cho cả người bệnh và bệnh viện. Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm khối lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường. 

Tại Bình Định, theo kế hoạch triển khai thực hiện các nền tảng số y tế trong quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định đưa ra định hướng cụ thể theo từng gia đoạn. 

Theo đó, năm 2023, sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Đồng thời, tỉnh đặt ra mục tiêu từ năm 2026 – 2030, sẽ hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu về y tế; tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành việc triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị phải đạt tối thiểu 50% giá trị thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trên tổng giá trị thanh toán viện phí của từng đơn vị. 

Công Sáng và nhóm PV, BTV