Chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu cải thiện, nhiều DN cho biết thường xuyên phải chi trả các khoản không chính thức, bôi trơn khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc trong các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 cho thấy, những thay đổi về pháp luật trong 2 năm qua đã tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh hơn, mang lại sự lạc quan và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng vẫn còn không ít những trở ngại, khiến cho việc gặt hái thành quả, chưa được như mong đợi.

Lo chi phí không chính thức

Bản Báo cáo cho biết, chi phí không chính thức của các DN tư nhân giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, so với thời điểm 2006. Có tới 66% số DN tham gia điều tra cho biết, thường xuyên phải chi trả các khoản không chính thức, cao hơn từ 12-15% so với giai đoạn 2008-2013. Trong đó, có từ 9-11% số DN cho biết, các khoản chi như vậy, chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% của giai đoạn 2008-2013.

{keywords}
Doanh nghiệp "toát mồ hôi" với phí bôi trơn

Ngoài ra, các DN tư nhân cũng cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện, giảm từ mức 65% trong năm 2013 xuống còn 58% năm 2016, nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm 2006-2012.

Với các DN FDI, có đến 49% tham gia khảo sát cho biết, đã phải trả chi phí không chính thức, khi làm thủ tục thông quan, 25% thừa nhận đã trả tiền bôi trơn, để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng, khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước.

Có tới 88% DN FDI tham gia khảo sát cho biết, ít nhiều đều gặp bất lợi, khi từ chối chi tiền hoa hồng, trong quá trình đấu thầu. Trong đó, 32% DN phản ánh luôn luôn gặp bất lợi, 26% DN thường xuyên gặp bất lợi và 30% còn lại là thỉnh thoảng mới gặp bất lợi. Có 56% DN FDI đồng ý với nhận định rằng, các cán bộ Nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương, để đòi hỏi chi phí không chính thức từ họ.

Gánh nặng thủ tục hành chính

Báo cáo cho biết, liên tục trong 3 năm qua, (2014-2016), cứ 3 DN tư nhân tham gia điều tra, thì có 1 phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện các thủ tục hành chính, một tỷ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI. Trước đây tỷ lệ này chỉ vào khoảng 1/5. Số lần thanh kiểm tra hàng năm đối với DN tư nhân khoảng 1 lần, nhưng thời gian đã tăng trở lại mức 8 giờ, như giai đoạn 2006-2008.

{keywords}
Nhiều giầy tờ, thủ tục hành chính còn làm phiền DN

"Nhiều giấy tờ thủ tục hơn, phải đi lại nhiều hơn, hiệu quả làm việc của công chức thấp, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của DN, dường như chưa bao giờ thôi là gánh nặng đối với họ", báo cáo viết.

Với DN FDI, có 72% cho biết, năm 2016 họ mất hơn 5% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính. Tỷ lệ này cũng cao đáng kể so với con số 56% trong điều tra PCI năm 2010. Đáng chú ý, tỷ lệ này ở tất cả các tỉnh không có sự khác biệt lớn, đều rơi vào khoảng 70%. Các DN FDI cho biết, tiếp nhận khoảng 2 cuộc thanh kiểm tra mỗi năm. Hơn 95% DN FDI bị thanh kiểm tra dưới 8 lần. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ bị thanh kiểm tra hơn 8 lần/năm.

Chẳng hạn trong năm 2016, có 7 DN FDI bị thanh kiểm tra tới 20 lần và 1 DN tới 50 lần. Một DN có quy mô 500 lao động, có 10% xác suất bị rơi vào nhóm thanh kiểm tra thường xuyên và cứ tăng lên theo quy mô. Thủ tục phiền hà nhất mà các DN FDI cho biết, đó là thuế (liên quan đến hóa đơn thuế GTGT), bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan hàng hóa.

Ưu đãi DN Nhà nước

Hiện Việt Nam có khoảng 2.000 DN Nhà nước chiếm giữ phần vốn lớn và 781 DN Nhà nước nắm giữ 100% cổ phần. Mặc dù chỉ là con số nhỏ, nhưng lại được hưởng các đặc quyền tiếp cận tài nguyên, vốn, đất đai và mua sắm công. Những đặc quyền này được cho là bóp méo thị trường, lấn át đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Cả DN tư nhân lẫn DN FDI đều quan ngại về các ưu đãi đối với DNNN. Hơn 38% số DN tư nhân cho biết các tỉnh vẫn ưu ái cho những tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gây khó khăn cho DN, tăng 6% so với khảo sát 2013. Quan ngại do quy mô nhỏ bé đang ngày càng nhiều lên. Nếu như năm 2013 chỉ có 35% số DN tư nhân cho rằng, ưu đãi với tổng công ty, tập đoàn Nhà nước là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của các DN, thì con số này đã tăng lên 55% vào 2016. Tình trạng này nếu không được cải thiện, khối DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN Việt Nam sẽ khó trở thành động lực cho phát triển kinh tế.

Các DN FDI dù tiềm lực mạnh, cũng vẫn quan ngại về những ưu đãi dành cho DNNN. Có 68% số DN FDI tham gia điều tra cho rằng DNNN có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Giảm và loại bỏ những ưu đãi cho DNNN, sẽ góp phần tăng cường tính cạnh tranh cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trần Thủy