Giá cước vận tải giảm đến 40%

Chỉ khoảng 2 tuần sau khi hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngành đường sắt đã có chính sách giảm giá vé lên đến 40% cho hành khách mua vé sớm. Còn đối với lĩnh vực vận tải thủy, việc TP.Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển đối với phương tiện đường thủy từ đầu năm cũng tạo dư địa để cước vận tải hàng container có thể giảm thêm 10-15%.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải rà soát, niêm yết và công khai giá cước, tránh tình trạng tăng giá đột biến gây ảnh hưởng đến chỉ số CPI.

Hành khách mua vé tại ga Sài Gòn. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 36 lần

Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng tháng 2, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 933.000 lượt, tăng 7,1% so với tháng 1 và tăng gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với ước đạt 301.343 lượt khách. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ, ước đạt 69.648 lượt khách. Tháng 2/2023, khách đến từ Trung Quốc ước đạt 55.029 lượt, trước đó trong tháng 1 mới chỉ đạt con số khiêm tốn là 15.875 lượt khách.

Nguyên nhân sự tăng trưởng này là do Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3/2022 và các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Một số ngân hàng được cấp room tín dụng năm 2023

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức cấp hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2023 để ưu tiên dòng vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…

Hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu trong năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước cấp cho một số ngân hàng dao động từ 9-13,5%. 

Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động

Sau khi một số ngân hàng thương mại được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đạt được sự đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động 0,5% trước ngày 6/3. Song không chờ đến mốc 6/3, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngay từ 3/3 với mức giảm phổ biến 0,5%/năm tại nhiều kỳ hạn.

Đợt giảm lãi suất huy động lần này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ giảm được chi phí lãi vay.

Bộ Tài chính sửa quy định đấu giá, liên kết cho thuê tài sản công

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nhiều tài sản công còn sử dụng chưa hiệu quả (Ảnh: Kiên Trung)

Về việc cho thuê theo hình thức niêm yết giá, theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP thì việc cho thuê tài sản được thực hiện theo hình thức đấu giá và cho thuê trực tiếp.

Quy mô gói 120.000 tỷ đồng có thể tăng, lãi suất thấp hơn 1,5-2% vay thông thường

Chiều 3/3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Đồng thời, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm hưởng lương hưu

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) vừa có tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ. Điểm đáng lưu ý nhất là đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Luật BHXH hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.