Sáng 26/7, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, vào khoảng 9h30 ngày 25/7, tại Phòng giao dịch của một ngân hàng ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có khách hàng là bà H.T.H. (SN 1964, ở xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang) đến yêu cầu cán bộ Phòng giao dịch ngân hàng rút 2 sổ tiết kiệm với số tiền  155.000.000 đồng để chuyển đi.

Phòng giao dịch Tân Dĩnh phối hợp với công an tuyên truyền, giải thích cho bà H.T.H. Ảnh CACC.

Khách hàng này giao dịch với tâm lý lo lắng, hoang mang và liên tục ra ngoài nghe điện thoại.

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, cán bộ phòng giao dịch đã dừng các thủ tục giao dịch chuyển tiền và giải thích với bà H. về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Trong quá trình nghe giải thích, bà H. liên tục nhận được điện thoại của đối tượng thúc giục chuyển tiền.

Ngay sau đó, cán bộ phòng giao dịch đã chủ động báo cáo với lãnh đạo phòng giao dịch Tân Dĩnh và phối hợp Trưởng Công an xã Tân Dĩnh để nghe điện thoại thay bà H., trực tiếp đối thoại, chất vấn đối tượng trước sự chứng kiến của bà H.

Đối tượng bị chất vấn lúng túng, không trả lời được các thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu và tự động ngắt liên lạc.

Quá trình tuyên truyền, giải thích bà H. trình bày, đối tượng xưng tên là N.Đ.P (trú tại tỉnh Bình Dương), tự xưng là Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04) và yêu cầu bà chuyển tiền để phối hợp điều tra.

Bà rất hoang mang, lo sợ nên vội đi rút tiền, khi đi rút tiền đối tượng còn dặn ra ngân hàng nếu nhân viên có hỏi thì chỉ cần nói lý do rút tiền chuyển cho một người bạn của con trai bà để chung tiền mua nhà, không được nói về nội dung chuyển tiền để điều tra, bà tin và lo sợ quá nên đã làm theo.

Những việc cần làm khi mắc bẫy lừa đảo trên mạng

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, sự hạn chế về nhận thức an toàn thông tin của người dân sẽ tạo điều kiện cho tội phạm mạng thực hiện các hành vi lừa đảo, giả mạo để chiếm đoạt tài sản.

Để góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, một việc gần đây đã được Cục An toàn thông tin thực hiện là xây dựng và mở chiến dịch phổ biến "Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến". Trong Cẩm nang, cơ quan này đã hướng dẫn người dân một số việc cần làm khi bị lừa đảo.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhanh khi đã bị lừa đảo trực tuyến, chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.

Cùng với đó, cần thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra. Đồng thời, theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn.

Trường hợp đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, việc cần làm là liên hệ ngay với ngân hàng của bạn để báo cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch của thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ; nếu chuyển qua thẻ quà tặng thì cần báo với công ty phát hành thẻ; chuyển tiền ngân hàng, cần báo cáo với công ty chuyển khoản ngân hàng hoặc ngân hàng đang sử dụng; báo với nhà cung cấp ứng dụng khi đã chuyển tiền cho kẻ xấu qua app...

Khi thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân đã bị rò rỉ, người dân cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính đang sử dụng. Bên cạnh đó, cần tạo một mật khẩu mới mạnh hơn, cảnh giác với những liên lạc đáng ngờ và theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng của mình.

Nếu đã bị kẻ lừa đảo truy cập vào máy tính, người dân cần cập nhật phần mềm bảo mật và quét virus, xóa mọi thứ được xác định là có vấn đề và đặt lại mật khẩu. Khi đã bị truy cập vào điện thoại, người dân hãy báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ, cập nhật phần mềm bảo mật và quét virus, thay đổi mật khẩu hoặc mã pin, đồng thời chặn các cuộc gọi lừa đảo. Ngoài ra, người dân có thể nhờ chuyên gia CNTT kiểm tra thiết bị của mình.