5g viettel 508.jpg
Bộ TT&TT đã thông báo phương án đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz.

Ngày 25/10, Bộ TT&TT đã thông báo phương án đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ TT&TT thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), thông qua một trong các phương thức: qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến; qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.

Theo phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất, thời hạn sử dụng băng tần của doanh nghiệp trúng đấu giá lên tới 15 năm.

Sau hai năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần 2500-2600 MHz; cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2500-2600 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ viễn thông và chuyển vùng dịch vụ viễn thông cũng phải đảm bảo theo quy định.

Giá khởi điểm đấu giá băng tần 2500-2600 MHz cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Cụ thể, giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz cho 15 năm sử dụng là: 3.983.818.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, tám trăm mười tám triệu, năm trăm nghìn đồng).

Tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá cho khối băng tần 2500-2600 MHz là 200.000.000.000 đồng (Hai trăm tỷ đồng). Việc thu nộp, xử lý tiền đặt trước được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Bộ TT&TT phê duyệt kết quả trúng đấu giá, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông sẽ thông báo cho tổ chức trúng đấu giá mức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí, phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông phải nộp để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 63/2023/NĐ-CP.

Hồi tháng 4/2023, Bộ TT&TT đã công bố và tiến hành chấm các hồ sơ tham gia đấu thầu của các doanh nghiệp đối với các khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) có giá khởi điểm là 5.798 tỷ đồng và có thời hạn sử dụng là 15 năm. 

Lần tham gia đấu giá tần số này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động mà có thể có thêm nhiều doanh nghiệp viễn thông khác nếu có đủ điều kiện. Như vậy, rất có thể thị trường di động sẽ xuất hiện thêm người chơi mới tham gia và sử dụng công nghệ 4G và 5G.

Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G). Doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào (căn cứ hồ sơ đề nghị xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá), sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced/ IMT-202).

Ngày 15/5, 25/5 và 2/6/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz). Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.

Trước đây, việc cấp phép tần số do các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp, tiếp theo đó là hình thức thi tuyển để lấy tần số. Nói một cách nôm na là băng tần được cấp phép miễn phí cho các doanh nghiệp. Hàng năm các nhà mạng chỉ phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính. Thậm chí, cơ quan quản lý lúc đó đã bàn nhiều đến việc phải thu thêm phí thương quyền viễn thông với các nhà mạng.

Thế nhưng, cuộc chơi giờ đã khác, khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực và các nhà mạng muốn có băng tần tốt để cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ phải tham gia đấu giá công khai, minh bạch.