Lời toà soạn: Tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn công nghệ CMC ngày 16/5/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắc tới “di sản số” đáng tự hào của tập đoàn, cũng như sứ mệnh quốc gia để CMC tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tôi xin chúc mừng Tập đoàn Công nghệ CMC tròn 30 năm! Cảm ơn CMC đã có nhiều đóng góp cho ngành TT&TT, cho đất nước!
Với một doanh nghiệp thì 30 năm là một chặng đường dài. Bởi vì nhiều doanh nghiệp chỉ có tuổi đời dưới 10 năm. 30 năm qua, CMC đã tồn tại, đã phát triển thành một tập đoàn công nghệ lớn của đất nước, đã tạo ra nhiều di sản số đáng tự hào, có thể kể đến đường trục cáp quang kết nối xuyên Đông Nam Á, trung tâm dữ liệu Tân Thuận. CMC tạo ra công ăn việc làm trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin cho trên 6.000 lao động, doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng, mỗi năm đóng góp trên 500 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Khi gọi tên các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thì CMC luôn có tên.
Khi nhắc tới một doanh nghiệp là phải nói đến những người sáng lập. Bởi vì họ là những viên gạch nền móng đầu tiên để xây lên một ngôi nhà. Ngôi nhà có bền vững, có cao không phần nhiều là bởi những viên gạch đầu tiên này. Cách đây 30 năm, năm 1993, hai chàng trai, hai kỹ sư công nghệ, tốt nghiệp loại giỏi từ hai trường đại học bách khoa hàng đầu của Hungary và Việt Nam, một người 34 tuổi và người kia 30 tuổi, là Hà Thế Minh và Nguyễn Trung Chính, đã lập ra một công ty công nghệ mang tên CMC. Những tư tưởng chính của CMC là về tự cường, làm chủ công nghệ; về sản xuất, công nghiệp; về doanh nghiệp toàn cầu, cạnh tranh quốc tế; về doanh nghiệp tư nhân, sở hữu đại chúng; về tập đoàn, quản trị chuyên nghiệp. Tất cả đều là khởi nguồn từ những nhà sáng lập. CMC đã luôn trung thành với những tư tưởng đó. Và CMC cũng luôn trung thành với bản sắc kỹ sư công nghệ của mình. Đó là đam mê công nghệ, đam mê nghiên cứu, đam mê sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ công nghệ phục vụ con người. Đó là đam mê Make In Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, Thiết kế tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam, Sản xuất tại Việt Nam.
Một trong những lý do quan trọng để một doanh nghiệp vượt qua bao thử thách, tồn tại lâu dài và trở thành một doanh nghiệp lớn là họ có tư tưởng và luôn giữ vững những tư tưởng đó.
Chặng đường 30 năm qua cũng đã đúc kết lên 4 giá trị cốt lõi mà người CMC gọi là Four C. Đó là lấy Khách hàng làm trung tâm - Customer Centricity, là Sáng tạo - Creativity, là Tốc độ - C-Speed, là Giữ cam kết - Commitment. Những giá trị cốt lõi này cùng với những tư tưởng ban đầu và bản sắc kỹ sư công nghệ sẽ tạo thành bộ Zen của CMC để có thể di truyền qua các thế hệ.
CMC là một doanh nghiệp Việt Nam. Khi đã thành công rồi, thì vẫn giữ là doanh nghiệp Việt Nam thay vì bán hết cho nước ngoài. Nếu những công ty quan trọng nhất của Việt Nam đều là sở hữu nước ngoài thì Việt Nam sẽ ra sao? Liệu chúng ta có còn chủ quyền không? Liệu chúng ta có thể hùng cường thịnh vượng không? Giá trị lớn nhất mà CMC có thể mang đến cho thế giới chính là giá trị Việt Nam. Bởi vậy, CMC hãy hợp tác và tiếp tục hợp tác, nhưng trên hết và trước hết, hãy là Việt Nam.
CMC sẽ phải đổi mới, sẽ phải cải cách, sẽ phải đi xa hơn, nhưng để làm được việc đó một cách bền vững và có bản sắc thì phải nhớ lấy và giữ lấy những tư tưởng ban đầu, những giá trị cốt lõi ban đầu và truyền thống, văn hoá mà thế hệ đầu tiên đã dựng xây nên. Muốn ứng vạn biến thì phải dĩ bất biến. Giữ cái bất biến chính là giữ lấy bản sắc của mình. Bản sắc là cái để giữ gìn chứ không phải là cái để thay đổi. Bản sắc cũng chính là cái cốt lõi nhất để cạnh tranh thành công. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với gốc, nếu đứt sợi dây này thì cánh diều sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống.
CMC hãy nhận lấy một sứ mệnh quốc gia. Doanh nghiệp kinh doanh thì phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng sau lợi nhuận phải là sứ mệnh giải quyết một bài toán, một nỗi đau của đất nước, của nhân loại, để đất nước cường thịnh, để nhân loại hạnh phúc hơn.
Các doanh nghiệp xuất sắc, các doanh nghiệp lớn thường nhận lấy một sứ mệnh quốc gia làm thành sứ mệnh của mình để dẫn dắt doanh nghiệp đi xa hơn nữa, để gắn mình với quốc gia, dân tộc hơn nữa. Quốc gia, dân tộc thì trường tồn. Doanh nghiệp mà gắn mình với nó thì cũng vì vậy mà trường tồn.
CMC bước vào thập kỷ thứ tư của mình thì đã là một doanh nghiệp lớn, để đi tiếp chặng đường 10 năm tới và dài hơn nữa thì hãy xác định sứ mệnh quốc gia của mình. Đó là hạ tầng số Việt Nam băng rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở và an toàn. Đó là hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ số được cung cấp như dịch vụ và các nền tảng số. Đó là chuyển đổi số Việt Nam thành một Việt Nam số. Đó là xây dựng Việt Nam thành một Digital Hub của Châu Á - Thái Bình Dương.
Công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất căn bản. Nó trở thành công cụ sáng tạo, công cụ lập nghiệp, kinh doanh của mỗi người Việt Nam, và từ đó mà giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI này, để Việt Nam không còn là một quốc gia nhược tiểu luôn bị đe doạ xâm lăng.
Phổ cập công nghệ số, biến nó thành công cụ lao động chính cho mọi người, cho mọi doanh nghiệp, cho mọi tổ chức phải là sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Và CMC hãy là một doanh nghiệp quan trọng trong số đó.
CMC phải có năng lực cạnh tranh quốc tế. Đã là một một doanh nghiệp công nghệ số thì phải có năng lực cạnh tranh quốc tế, phải đi ra nước ngoài.
Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Và đây là cách để chúng ta trở lên xuất sắc. Và cũng vì xuất sắc mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam.
Đi ra nước ngoài là mang tri thức, mang công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến.
Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, cũng là học hỏi để xây dựng Việt Nam.
CMC đã đi ra nước ngoài, doanh thu từ thị trường nước ngoài đã tiến gần đến con số trăm triệu USD, CMC cần mạnh mẽ hơn nữa trên con đường này.
Muốn làm được việc lớn thì CMC phải nhận được năng lượng vũ trụ. Năng lượng vũ trụ là có thật. Nhưng vũ trụ là một vòng tròn lớn vô hạn. Suy nghĩ của chúng ta rộng tới đâu là vòng tròn vũ trụ của ta rộng tới đó. Năng lượng vũ trụ mà ta nhận được là từ giới hạn của vòng tròn đó. Suy nghĩ mà rộng mở thì vòng tròn vũ trụ cũng rộng mở, năng lượng nhận được cũng lớn hơn.
CMC mà nghĩ rộng ra, nghĩ lớn hơn, nghĩ cho nhiều người hơn, thì năng lượng nhận được cũng sẽ lớn hơn và khi đó, việc khó sẽ không còn khó đến mức đó nữa.
Xin chúc cho chặng đường 10 năm tới của CMC là một trang sử mới huy hoàng trong lịch sử phát triển của CMC, với nhiều di sản số được tạo ra, với nhiều đóng góp hơn cho đất nước, cho thế giới. Động lực chính cho chặng đường này là đổi mới sáng tạo. Nhưng không chỉ là đổi mới sáng tạo sản phẩm và marketing, mà còn là đổi mới sáng tạo quy trình và tổ chức. Hai cái đầu là đổi mới sáng tạo để hướng ra bên ngoài, hai cái sau là đổi mới sáng tạo để hướng vào bên trong. Muốn bền vững thì phải hướng cả vào bên trong và ra bên ngoài.
Trên con đường đi đó, người CMC sẽ nhận được nhiều hơn năng lượng của vũ trụ, nhận được nhiều hơn niềm vui trong công việc mỗi ngày. Hạnh phúc đến với chúng ta trong hành trình đi đến nhiều hơn là đích đến. Bởi vậy, mỗi người CMC hãy sống trọn vẹn mỗi ngày! Và chính sự trọn vẹn đó sẽ tạo lên một CMC hùng mạnh!
Xin trân trọng cảm ơn!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng