Mục tiêu phát triển thị trường bất động sản xanh là bền vững

Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng đầu tiên trong hành trình hướng tới môi trường bền vững vì lĩnh vực này tạo ra khoảng 40% tổng lượng phát thải toàn cầu. Thông tin được ông Joseph Low, Chủ tịch Bộ phận Bất động sản Tập đoàn Keppel tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam”.

Trong đó, carbon hoạt động, tức là carbon được phát thải từ một tòa nhà đang được sử dụng, chiếm gần 70% tổng lượng phát thải carbon mà lĩnh vực bất động sản tạo ra; 30% còn lại của lượng phát thải carbon trong ngành bất động sản đến từ khí thải carbon ngầm mà tòa nhà thải ra trong quá trình xây dựng và hủy bỏ.

gia bat dong san.jpg
Nhiều giải pháp phát triển bất động sản bền vững cho Việt Nam.

Bước tiếp theo trong hành trình hướng tới một ngành bất động sản bền vững cho Việt Nam là giải quyết đủ nhu cầu thị trường, xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Ông cho rằng, hiện nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi các thách thức đa dạng như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án không rõ ràng và phức tạp. Nếu không giải quyết, các vấn đề này sẽ làm tăng sự không ổn định trên thị trường, dẫn đến tăng chi phí xây dựng và cuối cùng là giá nhà cao hơn cho người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Joseph Low cho rằng, mục tiêu phát triển thị trường bất động sản xanh là bền vững. Nếu chưa thể có một hệ thống hạ tầng mới, đồng bộ thì có thể cải tạo các sản phẩm cũ theo tiêu chí mới hiện có để hướng tới phát triển bền vững, đưa ra mục tiêu để cải tiến thiết bị năng lượng ít tiêu thụ năng lượng hơn.

“Với Keppel chúng tôi cũng đưa mục tiêu sử dụng hiệu quả về năng lượng với một cách tiếp cận mới. Khó khăn với công trình cũ là khó áp dụng công nghệ mới nhưng phải cố gắng để hướng tới đạt hiệu quả về sử dụng năng lượng.

Chúng tôi đề ra mục tiêu phải tích hợp tất cả để giảm thiểu việc thất thoát năng lượng và đảm bảo làm mát, giảm sử dụng năng lượng. Đó là cách tiếp cận để có công trình xanh hơn. Điều này rất cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng và các đối tác. Sự hỗ trợ từ Chính quyền địa phương là cần thiết để kết hợp đưa ra tiêu chuẩn mới, bền vững cho các toà nhà thương mại của Việt Nam”, ông Joseph Low nói.

Sáng kiến mô hình khu công nghiệp sinh thái

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, liên quan định hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh, đảm bảo hệ sinh thái đồng bộ cho người lao động, Bộ KH&ĐT phối hợp với nhiều nhà tài trợ thực hiện sáng kiến mô hình KCN sinh thái từ năm 2014.

Theo bà Hiếu, hiện đang hỗ trợ thí điểm chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái tại 5 địa phương và tại 7 KCN. Những quy định về KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ được Chính phủ đưa vào Nghị định 83/2018 và hiện đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 35.

Theo đó, Chính phủ định hướng phát triển KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ là KCN mới gắn với phát triển xanh. Những sáng kiến KCN sinh thái, Chính phủ quy định rõ cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KCN sinh thái cũng như định hướng.

Ví dụ các KCN được ưu đãi về tài chính, đất đai, tiếp cận nguồn vốn, tiếp xúc đầu tư... mà Bộ KH&ĐT đang xây dựng. Các KCN sinh thái mới đề xuất chủ trường đầu tư hạ tầng KCN thì không phải áp dụng tỷ lệ lấp đầy 60%. Đây là điểm cộng cho các địa phương muốn phát triển theo mô hình mới.

Đối với KCN đô thị dịch vụ, xuất phát từ mô hình gắn với tiện nghi, tiện ích thì Chính phủ cũng theo hướng đồng bộ, gắn phát triển xanh, khu công nghiệp thông minh. Các tiêu chí xác định KCN sinh thái, quy trình hỗ trợ xác nhận KCN sinh thái thì UBND cấp tỉnh xác nhận KCN đạt KCN sinh thái, BQL các KCN xác nhận doanh nghiệp sinh thái.

Bà Hiếu nêu ví dụ có 3 nhóm tiêu chí đối với doanh nghiệp trong KCN. Trong đó, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN phải đáp ứng quy định pháp luật, xây dựng cơ chế giám sát đầu ra đầu vào, kết nối doanh nghiệp trong KCN để tái sử dụng tài nguyên. Doanh nghiệp sản xuất trong KCN thì phải hình thành một mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp sản xuất. Hiệu quả kinh tế môi trường được đánh giá độc lập bởi cơ quan chức năng địa phương và Trung ương giám sát, theo dõi.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho hay, Bộ Xây dựng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam. Qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV