"Thông điệp chính của Thông tư 32 là định hướng hình thành hệ thống đại học trật tự, ngăn nắp, tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi khẳng định không thể có nguy cơ xin - cho....".

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Áng đã có trao đổi với VietNamNet về những quy định mới trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH.

Năng lực quản trị ĐH khó theo kịp yêu cầu

Thưa ông, quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH tại Thông tư 32 do Bộ GD-ĐT mới ban hành đang nhận ý kiến trái chiều từ không ít trường ĐH cho rằng: Quy định này ngược quy định giao tự chủ xét tuyển đại học cho các trường Bộ xác định sẽ thực hiện vào năm 2016?

- Nếu Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ xét tuyển cho các trường đại học thì rõ ràng đó là tự chủ cách thức xét tuyển, hoàn toàn không phải tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Chính Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT trước đây và nay là Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT mới là khung khổ pháp lý để các trường tự chủ xác định chỉ tiêu hàng năm.

Những cơ sở để Bộ GD-ĐT đưa quy định cứng trường ĐH có quy mô tối đa 15.000 sinh viên. Riêng trường ĐH thuộc khối ngành sức khỏe phải đảm bảo quy mô tối đa thấp hơn, với mức khống chế không quá 8.000 sinh viên hệ chính quy, và trường khối ngành nghệ thuật còn phải có quy mô không được quá 5.000 sinh viên....,

- Việc quy định quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy tối đa như tiêu chí 3 trong Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 32) xuất phát từ những cơ sở chủ yếu sau đây:

Về cơ sở thực tiễn. Trong những năm qua, quy mô tuyển sinh hàng năm và quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học của nước ta đãtăng trưởng với tốc độ khá cao.

Sự tăng trưởng về quy mô đã tạo ra những thách thức đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong đó, những điều kiện cơ bản như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, năng lực quản trị của mỗi cơ sở giáo dục đại học khó có thể theo kịp yêu cầu.

{keywords}
Có thể trên bình diện chung sẽ tái cơ cấu lại giảng viên. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Với cơ sở vật chất thì các cơ sở có thể đáp ứng nhanh, nhưng với đội ngũ giảng viên và năng lực quản trị thì cần có thời gian. Bộ GD-ĐT, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đã nhận thức sâu sắc về những nguy cơ của tình trạng này đối với chất lượng đào tạo.

Do vậy, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo để từng bước định hướng cho toàn hệ thống giáo dục đại học ổn định quy mô, tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngay từ năm 2011, khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 57) đã định hướng cho toàn hệ thống giáo dục đại học dịch chuyển theo hướng này. Lần này, việc ban hành Thông tư 32 là sự nối tiếp quan điểm đó nhưng với yêu cầu cao hơn. Toàn hệ thống giáo dục đại học chỉ có thể chuyển dịch theo hướng đó khi từng cơ sở giáo dục đại học phải quán triệt và thực hiện chủ trương đó. Vì vậy, trong Thông tư 32 đã đưa thêm tiêu chí khống chế quy mô tối đa bên cạnh 2 tiêu chí như đã có trong Thông tư 57.

Quy định giới hạn quy mô tối đa để đảm bảo cân đối giữa sự gia tăng số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng như của toàn hệ thống.

Về cơ sở pháp lý. Các tiêu chí giới hạn quy mô tối đa đã được lấy từ Quyết định số Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định nói trên, những tiêu chí đó đã được thảo luận và nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành.

Ngoài ra, trước khi Bộ trưởng ký ban hành Thông tư 32, Bộ GD-ĐT đã được báo cáo trực tiếp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội về Dự thảo Thông tư.

Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng thuận cao về chủ trương chuyển hướng hệ thống giáo dục đại học từ tăng số lượng sang nâng cao chất lượng đào tạo. Các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong dự thảo cũng đã nhận được sự ủng hộ của ủy ban.

Không thể có nguy cơ "xin - cho"

Nhiều ý kiến trái chiều băn khoăn, từ việc quy định cứng về số lượng dễ tạo cơ hội xin - cho hơn là tạo hành lang pháp lý nâng chất lượng đào tạo ở các trường ĐH. Ông bình luận thế nào về điều này?

- Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, trong 219 trường đại học hiện nay chỉ có 18 trường vượt quy mô sinh viên đại học chính quy tối đa. Trong đó có những trường vượt chỉ từ vài chục đến vài trăm, có những trường năm 2015 tuyển sinh bị sụt giảm. Vì vậy không thể lấy thực tế số ít này để làm cơ sở xây dựng khung chung cho toàn hệ thống.


18 trường đại học quy mô vượt quy định

Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách 18 trường ĐH có quy mô sinh viên ĐH chính quy cao hơn quy định.

Về băn khoăn có nguy cơ “xin, cho”, chúng tôi xin khẳng định ngay rằng không thể có. Ngày 31/12/2015 Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 6843/GDTĐ-KHTC gửi 18 trường nói trên. Công văn nêu rõ, về lâu dài, các trường phải xây dựng lộ trình giảm dần quy mô sinh viên đại học chính quy.

Trong năm 2016, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngoài yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí 1 và 2 tại Điều 5 Thông tư 32 còn phải đáp ứng yêu cầu không vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của trường được xác định theo Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT. Như vậy là cơ chế xử lý những trường hợp đó rất công khai, minh bạch, hoàn toàn không phải “xin, cho”.

Vậy đâu là thông điệp chính Bộ GD-ĐT đưa ra trong Thông tư 32? Phải chăng Bộ đã nhìn được nguy cơ có quá nhiều trường ĐH đang chạy theo số lượng nhiều hơn là củng cố nâng chất lượng đào tạo...?

- Thông điệp chính của Thông tư 32 là định hướng hình thành hệ thống đại học trật tự, ngăn nắp, tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Thông tư này cũng như những văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành đều phải có cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý vững chắc.

Một vài trường sẽ phải tái cơ cấu lại đội ngũ giảng viên

Thông tư sẽ có hiệu lực từ 1/2/2016, nhưng trước những ý kiến trái chiều từ phía cơ sở thực thi - cụ thể: không ít giảng viên đang công tác tại các trường ĐH có quy mô lớn lo lắng sẽ mất việc. Ông có chia sẻ thế nào với những giảng viên có tâm tư này?

Trên bình diện chung sẽ không có nguy cơ giảng viên thất nghiệp. Có thể ở một vài trường nào đó sẽ phải tái cơ cấu lại đội ngũ giảng viên. Quá trình đó sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Giả sử nếu vì giảm quy mô đào tạo ở một vài trường dẫn đến một số giảng viên phải tìm việc làm khác thì đó cũng là bình thường trong cơ chế thị trường. Tại sao những lĩnh vực khác khi sản phẩm dư thừa, doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, người lao động phải tìm việc làm khác thì chúng ta thấy bình thường, còn với giảng viên thì không bình thường? khi mà giảng viên trước hết cũng là người lao động, tất nhiên là lao động đặc biệt, thì sinh viên ra trường cũng là sản phẩm đặc biệt.

Vì vậy, nếu có một số ít giảng viên phải thay đổi nhưng xã hội thu được những lợi ích to lớn hơn, thì cũng nên coi đó là cái giá ta phải chấp nhận đánh đổi.

Ông nghĩ sao về đề xuất: Nếu có thể được, Bộ GD-ĐT nên có một số điều chỉnh nhỏ, chẳng hạn chưa áp dụng trần quy mô đào tạo cho một số trường tự chủ tài chính, đồng thời mở rộng quy tắc “một phần tư” (chỉ tiêu tuyển sinh 2016 bằng một phần tư khả năng đào tạo tối đa khi trường không đủ giảng viên) mang tính bao trùm hơn, áp dụng cho cả cơ sở vật chất và hạn chế quy mô tối đa như sau:
Sau khi xác định quy mô tối đa của trường theo các tiêu chí giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô trần, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2016 sao cho hoặc tổng số sinh viên học tại trường không vượt quá quy mô tối đa của trường, hoặc số sinh viên tuyển mới không vượt quá một phần tư quy mô tối đa đó....?

- Với 18 trường đang có quy mô sinh viên đại học chính quy vượt quy định, như trên đã nói, Công văn 6843/BGDĐT-KHTC đã hướng dẫn cụ thể. Với những quy định tại Thông tư 32, chúng tôi cho rằng đó là những lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.

- Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (Thực hiện)

>> Khai tử ĐH như giải thể ngân hàng
>> Bùng nổ ĐH: Cứ để thị trường "giải quyết"
>> Mong chờ gì ở giáo dục 2016
>> Trường ĐH có quy mô tối đa 15.000 sinh viên chính quy
>> Sẽ hết thời ĐH "lấy mỡ nó rán nó"