Chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát nói chung là một trong những nội dung quan trọng, không thể thiếu trong các kỳ họp của Quốc hội. Qua đó, các đại biểu đã “thổi” vào nghị trường những hơi thở của cuộc sống.

Đó là những bức xúc, day dứt của người dân về “con đường tử thần” xuyên qua trái tim TP Đông Hà, Quảng Trị do dự án đường tránh kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành vì thiếu vốn.

Đó là mong ước có được hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối liên vùng của khu vực Tây Bắc để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Đó là những câu chuyện tréo ngoe trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia khi chủ trương đúng nhưng thủ tục quá rườm rà khiến cho nhiều địa phương rơi vào tình cảnh “có tiền mà không tiêu được”.

Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng chất lượng, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Đại biểu “truy đến cùng”, buộc cơ quan chức năng phải “tháo gỡ đến cùng” đúng theo tinh thần “chất vấn, giám sát, hứa và làm”, không có chuyện hỏi suông, hứa suông rồi để đó.

Điều đó một lần nữa khẳng định vị thế của Quốc hội và vai trò của từng đại biểu Quốc hội xứng tầm là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, với 459/462 (92,91%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được các địa phương quan tâm và kỳ vọng sẽ giải được bài toán ách tắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có câu chuyện “có tiền mà không tiêu được”.

ĐỊA PHƯƠNG PHẢI TRẢ LẠI RẤT NHIỀU VỐN DO "VƯỚNG"

Chia sẻ với VietNamNet, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức giám sát giữa kỳ 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình mới nhưng rất lớn, nhiều ngành, cơ quan, lĩnh vực cùng thực hiện.

301020231150 lo thi luyen.jpg
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến góp ý về Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương, đại biểu Lò Thị Luyến cho hay, tất cả dự án đều được thiết kế từ khảo sát nhu cầu thực tế địa phương, rất cần thiết, nhưng tổ chức thực hiện trên thực tế và đưa đến các đối tượng thì phải đủ căn cứ pháp lý.

Thêm vào đó là nguồn vốn sự nghiệp gặp ách tắc, có dự án chưa chuẩn bị kịp, có dự án đã chuẩn bị sẵn nhưng không được giao vốn.

“Thực tế khi thực hiện chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững các giai đoạn trước, Điện Biên phải trả lại rất nhiều vốn sự nghiệp, do vướng hành lang pháp lý. Trong khi đây là nguồn vốn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương, phải trả lại là rất đáng tiếc và lãng phí”, bà Luyến kể.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với riêng Điện Biên mà là tình trạng chung của nhiều địa phương khi thực hiện chương trình.

Chính vì vậy trên nghị trường, bà và các đại biểu tỉnh Điện Biên đã đề nghị cần có nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu của nhiều địa phương khác cũng có cùng ý kiến với đề nghị này.

Từ đó, Chính phủ đã có tờ trình và báo cáo đánh giá tác động kèm theo tờ trình về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ tiếp thu kiến nghị của đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành nghị quyết theo quy trình rút gọn.

anh a bai 29 788.jpg

“Sau giám sát tối cao, các địa phương và người dân, nhất là các tỉnh miền núi như chúng tôi đang rất mong chờ nghị quyết này của Quốc hội”, đại biểu Lò Thị Luyến nhấn mạnh.

TIỀN CÓ NHƯNG NẰM TRÊN GIẤY 2 NĂM

Từ thực tiễn của địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cũng cho biết, kết quả giám sát cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia là một chủ trương đúng, đem lại đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện bộ mặt của nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc hội thông qua nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) nhưng đến cuối năm 2022 đầu 2023 mới triển khai được, “tiền có nhưng nằm trên giấy 2 năm”. Qua báo cáo của đoàn giám sát cũng như kiến nghị của các đại biểu Quốc hội cho thấy cơ chế chính sách, thủ tục phức tạp, rườm rà khiến cho nhiều nơi ách tắc có tiền mà không tiêu được.

“Đây cũng là một trong những nội dung tôi quan tâm phát biểu kiến nghị trước Quốc hội là Chính phủ cần phân cấp, phân quyền cụ thể, phân cấp trọn gói cho địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Khi đó HĐND và UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm phân bổ đầu tư miễn là làm sao có tiền tiêu được đúng địa chỉ, đúng địa điểm, phát triển hạ tầng cơ sở, cải thiện đời sống vật chất cho người dân”, đại biểu Hà Sỹ Đồng kể lại.

Những kiến nghị, phát biểu, chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng sau đó đã được Quốc hội và Chính phủ tiếp thu rất nghiêm túc. Trong 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, Chính phủ đưa ra giải pháp phân cấp, phân quyền trọn gói như đề nghị ông nêu trước Quốc hội.

dsc 9815.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Hoàng Hà

“Tôi thấy rằng hoạt động chất vấn cũng như các hoạt động ở nghị trường của Quốc hội rất ý nghĩa, rất thiết thực. Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thành viên Chính phủ tiếp thu rất cầu thị, trách nhiệm. Tôi thấy rất hài lòng”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nói.

ĐỂ MIỀN NÚI TIẾN KỊP VỚI MIỀN XUÔI

Một vấn đề bức thiết với cử tri và nhân dân các tỉnh trung du, miền núi là câu chuyện về hạ tầng giao thông. Đây cũng là nội dung luôn là ưu tiên trong mỗi phiên thảo luận về kinh tế xã hội cũng như chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội.

Chia sẻ với VietNamNet, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết Điện Biên là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc. Do đó, bà rất mong Chính phủ quan tâm sớm đầu tư đường cao tốc đến tỉnh Điện Biên sớm hơn lộ trình Bộ GTVT đang dự kiến khởi công giai đoạn 2021 – 2025 và phấn đấu vào năm 2030 đường cao tốc Sơn La - Điện Biên hoàn thành song song với tuyến Mộc Châu - Sơn La là cực kỳ quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế.

W-cao-toc-nghi-son.jpg
Giao thông tại các địa phương luôn là vấn đề trọng tâm trong các phát biểu của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà

Chính vì vậy, trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội ở kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 vào đầu năm 2022, đại biểu Tạ Thị Yên đã đề nghị Chính phủ cho phép dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang được triển khai thực hiện trước năm 2030.

“Việc sớm triển khai thực hiện dự án này là một tin vui đối với địa phương nhằm sớm giúp Điện Biên phát huy được “cửa ngõ kết nối” khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc”, bà Yên nhấn mạnh.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, ngày 24/6/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư trong giai đoạn 2022-2030.

Việc sớm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên, nhất là tháo gỡ được nút thắt về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với tỉnh, thành khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

“Cử tri Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng tin tưởng là Bộ GTVT sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để thi công tuyến cao tốc trên địa hình hiểm trở này, gặp núi làm hầm xuyên núi, gặp vực sâu làm cầu cạn để ‘miền núi tiến kịp miền xuôi”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên cũng vui mừng thông báo sân bay Điện Biên dự kiến sẽ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 2/12 tới đây với công suất lớn hơn, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại hơn để phục vụ người dân đi lại, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế xã hội không chỉ cho tỉnh Điện Biên mà cho cả các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. 

dsc 0001.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: Hoàng Hà

Thành quả này có được cũng một phần nhờ vào tiếng nói thúc đẩy của các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên qua các nhiệm kỳ Quốc hội, đặc biệt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

Tỉnh Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh của khu vực Tây Bắc. Đây cũng là địa phương duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, giữ vị trí xung yếu đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc.

Đại biểu Tạ Thị Yên kể với VietNamNet từng có khoảng thời gian đi lại nhiều lần trước khi ứng cử và tiếp xúc cử tri tại Điện Biên, bà thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây khi đường sá đi lại mất nhiều thời gian. 

Chính vì vậy tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 (cuối năm 2021), bà đã dành phần lớn nội dung bài phát biểu, chất vấn của mình ưu tiên cho vấn đề giao thông, trong đó có dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên.

Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng kinh tế Tây Bắc, có tác động tích cực đến liên kết phát triển vùng, phát triển tiểu vùng quốc tế.

Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến dự án này. Với tư cách là một đại biểu Quốc hội cá nhân bà cũng sát sao theo dõi tiến độ.

Từ những kiến nghị của bà và đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, ngày 22/1/2022, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên với tổng mức đầu tư là hơn 1.400 tỷ đồng được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT và UBND tỉnh Điện Biên khởi công.

Nhà ga mới của Cảng Hàng không Điện Biên trước khi đón chuyến bay đầu tiên vào sáng 2/12. Ảnh: Hoàng Hà

Tháng 9/2022, khởi công gói thầu xây dựng đường băng, sân đỗ sân bay Điện Biên. Đến tháng 4/2023, khởi công dự án đầu tư xây dựng Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên.

Nhờ sự đốc thúc, giám sát của các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Thủ tướng đã quan tâm và chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nhiều nguồn lực nhằm sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để đưa vào khai thác trở lại vào quý 3/2023 để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đến nay các hạng mục của dự án đã hoàn thành và chính thức đưa vào khai thác trở lại từ ngày 2/12 với đường băng dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như: A320, A321 và tương đương; nâng công suất khai thác nhà ga hành khách lên 500.000 khách/năm.

Theo nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Từ chất vấn đến giải cứu ‘con đường tử thần’Quốc lộ 1A qua TP Đông Hà (Quảng Trị) trở thành nỗi ám ảnh bởi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Từ những chất vấn đến cùng của đại biểu Quốc hội, vấn đề được tháo gỡ khi một con đường mới sẽ được xây dựng...