Quốc hội sáng 27/5 thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá, hiện nay kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các đoàn ĐBQH ở địa phương còn quá ít. Để tổ chức được hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở, ngoài các thành viên đoàn giám sát là các ĐBQH ở địa phương còn phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, ban, ngành khác, các chuyên gia.
Thế nhưng, theo nữ ĐB tỉnh Hải Dương với kinh phí quy định như hiện tại thì việc mời được các thành viên của các cơ quan khác tham gia đoàn giám sát chưa được thuận lợi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét để nâng mức kinh phí phục vụ hoạt động giám sát cho phù hợp với yêu cầu thực tế và phù hợp với tình hình hiện tại. Bà Nga cho biết, trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề cập đến ở trong bài học kinh nghiệm.
ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Theo ông, việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua.
ĐB đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Ông nhấn mạnh: "Đây là vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm".
Cũng như ĐB Việt Nga, ĐB Nguyễn Đình Thanh đề nghị các cơ quan chuyên môn Quốc hội quan tâm hơn nữa về điều kiện vật chất, nhất là bố trí kinh phí để đoàn ĐBQH địa phương và các ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát.
"Vừa qua, kinh phí cấp cho công tác giám sát ở địa phương mới chỉ đảm bảo phục vụ cho các cuộc giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đoàn ĐBQH tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát, khảo sát của cá nhân ĐBQH chưa được quan tâm, bố trí kinh phí phù hợp", ông Thanh chia sẻ.
Mỗi cuộc giám sát, ĐBQH được trả 100.000 đồng
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: "Nhiều đại biểu chuyên trách cũng có ý kiến. Kể cả việc tiền hỗ trợ cho hoạt động giám sát, trong đó tiêu chuẩn tham gia hoạt động giám sát ĐBQH chỉ có 100.000 đồng/cuộc. Ngoài ra còn câu chuyện cơ sở vật chất".
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, những vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan Quốc hội nghiên cứu tham mưu để điều hòa các hoạt động giám sát và tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát, điều hòa các hoạt động bằng các hình thức phù hợp và có giải trình cụ thể với Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ việc rút kinh nghiệm và một số chương trình giám sát trong năm 2023, không yêu cầu đoàn ĐBQH, HĐND giám sát song song với đoàn của Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trong thời gian đó, đoàn đại biểu, HĐND vẫn phải báo cáo hoạt động giám sát với các nội dung đó. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Làm đến đâu báo cáo đến đó, không yêu cầu giám sát cùng với đoàn giám sát của Quốc hội".
Trên cơ sở thảo luận, phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng thư ký nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết chương trình giám sát năm 2024.