Theo báo RT, Lầu Năm góc vừa thẳng thừng bác bỏ đề xuất của chính quyền Ankara về việc tạo ra một nhóm công tác chung giữa hai bên, nhằm đảm bảo không có bất kỳ bí mật quân sự nào của Mỹ bị rò rỉ, khi Thổ Nhĩ Kỳ cho lắp đặt các hệ thống phòng không, mệnh danh "rồng lửa" S-400 của Nga.

{keywords}
Mỹ đang gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn giữa "rồng lửa" S-400 của Nga (trái) và siêu tiêm kích F-35 do Mỹ chế tạo. Ảnh: Reuters

Trước đó, trong một nỗ lực duy trì mối quan hệ đồng minh với Washington sau khi Ankara quyết định mua các hệ thống vũ khí hiện đại do Nga sản xuất, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 3/4 đã đề xuất thành lập một ủy ban kỹ thuật song phương nhằm đảm bảo "S-400 không phải là mối đe dọa đối với cả các tiêm kích Mỹ F-35 và các hệ thống vũ khí khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".

Ngày 4/4, ông Cavusoglu nhắc lại đề xuất trên một lần nữa. Tuy nhiên, Lầu Năm góc đã thẳng thừng từ chối và khẳng định các vũ khí của Mỹ và Nga không thể hoạt động cùng nhau.

Hồi đầu tuần này, Lầu Năm góc đã ra lệnh ngừng chuyển giao công nghệ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi Ankara phải từ bỏ việc thu mua khí tài quân sự Nga. Động thái tiếp sau một cảnh báo mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Cụ thể, ông Pence đe dọa sẽ "đuổi cổ" Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Chương trình phát triển tiêm kích F-35 trừ khi nước này cư xử như "một đồng minh NATO tốt" và tuân thủ các điều kiện của Washington.

Thổ Nhĩ bắt đầu tham gia Chương trình F-35 của Mỹ từ năm 2002. Kể từ đó, nước này đã đầu tư hơn 1,25 tỉ USD cho việc phát triển và chế tạo các bộ phận khác nhau của mẫu chiến đấu cơ này. Theo giới quan sát, phía Mỹ hiện vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này.

Ngoại trưởng Cavusoglu cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhất trí về giá bán Patriots của Mỹ nhưng không coi nó là sự thay thế cho hệ thống S-400. Ông Cavusoglu nhấn mạnh, Ankara cũng không xem mối quan hệ với Nga là sự thay thế cho liên minh với NATO.

Tuấn Anh