Đào tạo trực tuyến sẽ là phương thức phổ biến
Chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý đào tạo là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Bộ LĐTB&XH đã xác định đào tạo trực tuyến sẽ là một phương thức được áp dụng phổ biến trong tương lai của giáo dục nghề nghiệp mà không chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt để ứng phó với đại dịch Covid-19. Chỉ đạo xuyên suốt của Bộ là phát triển hình thức đào tạo trực tuyến đối với các nội dung mô đun, môn học phù hợp để đảm bảo người học có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi. Kết quả học tập được công nhận như đối với các phương thức tổ chức đào tạo khác và có thể sử dụng để liên thông giữa các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông lên các trình độ cao hơn. Đây là nền tảng để xây dựng xã hội học tập gắn với học tập suốt đời.
Thông tư 33/2018 ngày 26/12/2018 quy định về đào tạo trình độ TC, CĐ theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, của Bộ LĐTBXH ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa trong đó tập trung ưu tiên:
Thứ nhất, cho phép công nhận kết quả tự học có hướng dẫn của người học. Như vậy, với rất nhiều nội dung, người học không nhất thiết phải học ở trường nhưng được công nhận nếu đã đáp ứng yêu cầu/chuẩn đầu ra. Ví dụ, một người thợ hàn đã thành thạo và có chứng chỉ hàn thì được công nhận khi theo học để có bằng trung cấp, cao đẳng nghề hàn mà không phải học lại. Hoặc nếu sinh viên đã có các chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ... thì không cần phải học các môn học này tại trường...
Thứ hai, cho phép liên thông công nhận kết quả học tập trực tuyến trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, người học có thể theo học trực tuyến một hoặc nhiều tín chỉ, modun tại mọi nơi và mọi lúc, và được công nhận tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ghi danh để được cấp bằng. Cơ chế này cho phép một cơ sở đào tạo trực tuyến có thể cung cấp khóa học cho sinh viên của nhiều trường trong toàn quốc; không nhất thiết trường nào cũng phải tổ chức đào tạo trực tuyến.
Thứ ba, mở ra cơ chế cho doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo trực tuyến. Thông tư cho phép nhà trường được liên kết với doanh nghiệp, được thuê và sử dụng dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp mà không phải đầu tư; và cho phép doanh nghiệp được tổ chức đào tạo trực tuyến, cấp chứng nhận và được công nhận liên thông với các trường cao đẳng, trung cấp.
Từ 2018, Bộ đã tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, ban hành chương trình 6 môn học chung, chỉ đạo thí điểm tổ chức đào tạo trực tuyến các môn học chung cho toàn hệ thống.
Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đào tạo trực tuyến để cung cấp cho các trường. Hệ thống ứng dụng các công nghệ mới nhất về đào tạo trực tuyến đang được các nước phát triển sử dụng.
Ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Bộ đã có nhiều văn bản để chỉ đạo các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý nhà trường, tổ chức tuyển sinh và thực hiện đào tạo bằng hình thức trực tuyến.
Bộ cũng đã ban hành công văn số 1301/LĐTBXH-TCGDNN ngày 14/4/2020 hướng dẫn việc thực hiện quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài và nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo (đào tạo trực tuyến); Giao quyền cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến tại trường.
Đồng thời, các doanh nghiệp có hợp tác với Bộ từ trước đã vào cuộc và hỗ trợ nhiều trường tổ chức đào tạo trực tuyến thành công.
Chỉ đạo của Bộ trong tổ chức đào tạo trực tuyến giai đoạn này là: giảm mục tiêu, giảm kỳ vọng, sáng tạo và hành động. Đào tạo trực tuyến là giải pháp giúp trường vượt qua được thách thức hiện nay. Đồng thời cũng là động lực, một cú hích mạnh mẽ để các nhà trường đổi mới về tư duy quản lý, đổi mới về phương thức tổ chức đào tạo.
Các trường sẽ phải thích nghi
Cũng cần nhìn thẳng thắn là dù rất cố gắng nhưng đào tạo trực tuyến trước đại dịch Covid mới chỉ được thí điểm. Tuy vậy, trong bối cảnh đại dịch, hầu hết các trường đã vào cuộc tổ chức đào tạo trực tuyến. Về kết quả vẫn còn xa mới đạt đến kỳ vọng. Thông tư 33/2018/TT-BLĐTBXH được ban hành có sự vào cuộc trực tiếp của các doanh nghiệp cung ứng giải pháp đào tạo trực tuyến. Nhà trường được tự chủ trong tổ chức triển khai đào tạo mà không phải cấp phép.
Về phía Bộ, cam kết sẽ gỡ hết các rào cản pháp lý cho các trường. Lãnh đạo Bộ đã chủ động kết nối, nắm bắt thông tin từ các hiệu trưởng và sẵn sàng chỉ đạo sửa ngay những gì vướng để tháo gỡ kịp thời nếu có kiến nghị đúng và hợp lý.
Tất nhiên, chúng ta không được cầu toàn mà phải đứng trên quan điểm triển khai những nội dung dễ, thuận lợi trước. Hệ thống sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng cùng với thời gian. Chính vì vậy, Bộ đã chỉ đạo các trường điều chỉnh chương trình đào tạo. Theo đó, cần cấu trúc lại các học phần theo hướng đẩy lên trước các học phần có thể tổ chức đào tạo trực tuyến ngay, giảm tải chương trình, tăng cường huấn luyện giảng viên, tăng cường liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và học liệu...Thực tế trong những tháng qua, khi nhà trường hành động, với sự vào cuộc của doanh nghiệp cung ứng giải pháp, chỉ trong 10 ngày là có thể vận hành ngay đào tạo trực tuyến cho rất nhiều học phần.
Rào cản lớn nhất với đào tạo trực tuyến là tư duy chưa phù hợp của cả nhà quản lý, giảng viên và người học. Nhiều người vẫn chỉ coi đào tạo trực tuyến là giải pháp tình thế đối phó với đại dịch Covid. Thậm chí còn cho rằng đào tạo trực tuyến là tốn kém, không chất lượng, và nhiều nội dung không thể dạy trực tuyến. Thực tế không phải vậy.
Đào tạo trực tuyến không phải là giảng viên giảng trực tuyến. Công nghệ mới cho phép giảm thiểu sức lực của giảng viên, tăng cường tối đa tương tác giữa giảng viên và người học, giữa người học và người học.
Đào tạo trực tuyến có thể đánh giá đầy đủ sự tiến bộ của người học theo từng thời điểm qua các công cụ đánh giá, cho phép mọi người học được thảo luận thông qua các diễn đàn. Nhà trường không phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin nên không tốn kém. Một giảng viên, một nội dung được thiết kế có thể tổ chức đào tạo cho rất nhiều người nên rất tiết kiệm chi phí.
Và hơn hết, thời gian của người học và giảng viên được khai thác tối ưu.
Thực tế đáng mừng là qua đại dịch Covid, nhận thức đã và đang được thay đổi.
Nhiều trường đã hưởng ứng với chỉ đạo của Bộ coi đào tạo trực tuyến không phải là giải pháp tình thế, mà là giải pháp lâu dài.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB và XH đã giao tự chủ cho hiệu trưởng nhà trường ban hành chương trình, quy chế đào tạo. Các trường được tự chủ trong thiết kế, giảm tải chương trình, linh hoạt trong kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo tập trung... Học trên lớp hay học trực tuyến thì người học chỉ được công nhận hoàn thành nội dung nếu đạt điểm yêu cầu.
Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là đào tạo tập trung thường có xu hướng tách giữa dạy và thi. Đào tạo trực tuyến hiện đại thì người học phải học và đạt nội dung này mới được học tiếp nội dung khác trong một học phần; quá trình học và đánh giá đi liền với nhau nhờ ứng dụng công nghệ. Nội dung của một tiết học tập trung thường được chia nhỏ thành nhiều nội dung trong đào tạo trực tuyến.
Sáng tạo và hành động là chìa khóa để vượt qua khó khăn
Nếu cứ tiếp cận thông thường, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Bộ đã chỉ đạo các trường cần đổi mới.
Cụ thể, một số hướng đi cần được phát huy:
Thứ nhất, đẩy mạnh về nội dung và hình thức tuyển sinh trực tuyến. Tổng cục đẩy mạnh quảng bá trang web tuyển sinh trực tuyến và ứng dụng Chọn nghề trên điện thoại di động.
Thứ hai, cần tăng cường liên kết giữa các trường để tạo các khối tuyển sinh chung; qua đó có tăng sức cộng hưởng giữa các trường trong tuyển sinh qua mạng xã hội, qua các phương tiện truyền thông... Một số khối ngành được ưu tiên như y tế, du lịch, kỹ thuật...
Thứ ba, cần đổi mới phương thức truyền thông tuyển sinh. Các hội thảo trực tuyến, tư vấn tuyển sinh online qua mạng xã hội... cần được phát huy cao độ. Trong đại dịch, các ứng viên có thời lượng online rất cao. Nếu phương thức truyền thông tuyển sinh được đổi mới, kết quả tuyển sinh cũng khả quan hơn.
Thứ tư, nhà trường có thể linh hoạt trong tuyển sinh và khai giảng.
Chẳng hạn đào tạo trực tuyến cho phép thí sinh có thể nhập học online và theo học ngay các nội dung trước khi nhập học trực tiếp tại trường. Do đó, công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo cũng linh hoạt hơn rất nhiều. Bộ đã chỉ đạo các trường linh hoạt với phương châm "nhập học trước nhập trường".
Thứ năm, tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện quanh năm vì vậy không nhất thiết phải chờ theo tiến độ thi tốt nghiệp THPT.
Cá nhân tôi đã có ý kiến đề nghị các hiệu trưởng cân nhắc phương án "Học kỳ dự bị" trong trường hợp thi tốt nghiệp THPT chậm.
Theo đó, học sinh chưa tốt nghiệp THPT có thể ghi danh và theo học trực tuyến/tập trung một số nội dung trước khi có bằng tốt nghiệp THPT. Các em sẽ được ghi danh chính thức khi có bằng tốt nghiệp THPT. Phương án này sẽ đảm bảo được tiến độ của năm học.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Quân (Hạ Anh Ghi)