Ông Tạ Hiểu Lượng (SN 1962) xuất thân trong gia đình trí thức, bố mẹ là giáo sư Đại học Bắc Kinh. Từ nhỏ, ông được bố mẹ dạy đọc và viết. Dưới sự giáo dục của gia đình, ông sớm sớm bộc lộ khả năng nghiên cứu. 

"Trong khi bạn bè đồng trang lứa học SGK, cậu bé đã áp dụng kiến thức vào thực tế để phát minh mô hình", giáo viên từng dạy ông chia sẻ. Lên cấp 2, ông có thể tạo ra dàn âm thanh nổi và tàu mô hình. Sau khi phát hiện tài năng vượt trội của con, bố mẹ ông áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp để kích thích khả năng sáng tạo. Dần dần, ông trở nên thích nghiên cứu thực tế. 

Luôn duy trì thành tích học tập xuất sắc, ở tuổi 15, ông thi đỗ vào Trường Trung học trực thuộc Đại học Bắc Kinh. Đến năm 1980, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, ông đỗ vào khoa Hóa học của Đại học Bắc Kinh. Không dành thời gian thư giãn, sau khi vào trường, ông tập trung nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh việc để tâm đến học hành, ông thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa của trường, lớp. Ngoài Hóa học, ông còn quan tâm đến Vật lý và Toán. Trên cơ sở hoàn thành môn chuyên ngành, thời gian rảnh, ông xin vào lớp Toán và Lý để học hỏi. Không chỉ tự học lập trình, ông còn tham gia nhiều dự án nghiên cứu khoa học và đạt giải cao.

360a57b923e5df42f1cc5d0d3114931c.jpeg
Giáo sư Tạ Hiểu Lượng từ chối đãi ngộ ở Mỹ, về nước cống hiến tuổi 56. Ảnh: Baidu

Tốt nghiệp đại học năm 1984, ông tiếp tục học thạc sĩ tại trường và tiến hành nghiên cứu Hóa học thực nghiệm chuyên sâu. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu ông nhận ra rào cản kỹ thuật ở trong nước. Do đó, tốt nghiệp thạc sĩ năm 1985, ông quyết định sang Mỹ học tiến sĩ tại Đại học California (San Diego, Mỹ).

Tại đây, ông cùng giáo sư John Simon - người chuyên nghiên cứu động học hóa học bằng tia laser, xuất bản nhiều bài báo gây ấn tượng trong giới học thuật. Nhận bằng tiến sĩ năm 1989, ông được mời về làm việc tại Phòng thí nghiệm của giáo sư Graham Fleming thuộc Đại học Chicago (Mỹ). 

3 năm sau, ở tuổi 30, ông vinh dự là nhà khoa học đầu tiên ở Trung Quốc gia nhập Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL). Tại đây, ông thực hiện thành công nhiều nghiên cứu về quang phổ, động lực phân tử đơn và hình ảnh quang học độ phân giải cao. 

Ở tuổi 37, ông chính thức được bổ nhiệm trở thành giáo sư khoa Hóa và Sinh hóa tại Đại học Harvard. Vinh dự này giúp danh tiếng của ông được khẳng định trong giới học thuật. Sau 1 năm gia nhập Harvard, ông đã nộp 6 đơn đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học. Không chỉ được phê duyệt tất cả, ông còn nhận được trợ cấp đặc biệt để hoàn thành nghiên cứu.

Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu tại đây, giáo sư Lượng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một trong những nghiên cứu để lại tên tuổi của giáo sư là Phương pháp khuếch đại ADN đơn bào, công bố năm 2012. Phương pháp này cho phép giải trình tự ADN của con người, để tìm kiếm các đột biến có thể gây ra bệnh di truyền hoặc ung thư. 

Thành công của nghiên cứu giúp giáo sư nhận về loạt giải thưởng danh giá. Năm 2004 và 2018, ông giành được giải thưởng Tiên phong của Viện Y tế Mỹ (NIH), tổng trị giá 5 triệu USD (124 tỷ đồng).

Năm 2015, ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên nhận giải Alberni về Y sinh. Cùng năm, giáo sư tiếp tục giành giải thưởng Debye của Hiệp hội Hóa học Mỹ. 

Với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực hóa học lý sinh, năm 2011, ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. 5 năm sau, giáo sư tiếp tục vinh dự là thành viên của Học viện Y khoa Mỹ. 

02 ta hieu luong.jpeg
Sau 33 năm cống hiến ở Mỹ, tuổi 56, giáo sư Tạ Hiểu Lượng quyết định về nước. Ảnh: Baidu

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, năm 2018, ông quyết định từ chức giáo sư tại Đại học Harvard và nhiều phúc lợi khác, để về nước cống hiến. Về nước ở tuổi 56, ông đảm nhận chức vụ giám đốc Trung tâm Đổi mới Tiên phong Y sinh (BIOPIC) thuộc Đại học Bắc Kinh. 

Ngoài việc dành thời gian giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, ông còn hoàn thành nhiều dự án nghiên cứu khoa học với các chuyên gia hàng đầu trong nước. Đóng góp lớn nhất của ông sau khi về nước là hỗ trợ nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19. 

Tháng 10/2020, giáo sư Lượng được bổ nhiệm làm giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Bắc Kinh - Xương Bình. Từ tháng 6/2023 đến nay, ông là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS).

Chia sẻ quyết định về nước sau 33 năm ở Mỹ, giáo sư cho hay: "Tôi luôn quan tâm đến sự phát triển của quê hương, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong nước. Là người Trung Quốc, tôi hy vọng được đóng góp cho quê hương và trường cũ của tôi - Đại học Bắc Kinh".

Theo giáo sư Lượng, việc về nước cống hiến không phải hành động đặc biệt, bởi trước đó đã có nhiều nhà khoa học từng làm.

"Sự trở về không nhất thiết phải giải thích, nhưng nếu không về nước chắc chắn cần có lý do", giáo sư Lượng nói.