Kiểm soát tai nạn và điều phối chống ùn tắc

Tháng 7/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chính thức khai trương thí điểm trung tâm điều hành giao thông thông minh. Hệ thống đi vào vận hành nhằm hiện thực hóa một trong những nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực tế, hệ thống giao thông thông minh đã được Hà Nội triển khai nhiều năm nay ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên từ tháng 7/2024 khi mạng lưới camera giám sát được bổ sung, Trung tâm điều hành giao thông thông minh đi vào hoạt động thì hệ thống giao thông của thành phố đã được giám sát 24/7 theo hướng hiệu quả hơn, thông minh hơn và thân thiện hơn.

z6128659414917_5a8f210ea0d9c9c697ae885c48bc34d8.jpg
Biển báo cảnh báo ùn tắc cục bộ đường vành đai 2 trên cao từ xa, được đặt tại nút giao Ngã Tư Sở, Hà Nội.

Hiệu quả, thông minh và thân thiện được thể hiện ở 2 dấu hiệu chuyển biến rất rõ nét: Một là việc kiểm soát các vụ tai nạn trên địa bàn Thủ đô đã tốt hơn và hai là công tác điều phối, phân luồng và hướng dẫn các phương tiện chống ùn tắc giao thông, nhất là trong các khung giờ cao điểm hoặc những ngày lễ tết đã tốt hơn.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, định hướng lộ trình hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố sẽ theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2024-2026) kiện toàn gắn với việc hình thành, đưa vào khai thác, vận hành trung tâm điều hành giao thông thông minh (với 9/12 chức năng); Giai đoạn 2 (năm 2027-2029) mở rộng và phát triển (gắn với việc thực hiện đủ 12 chức năng) và Giai đoạn 3 (năm 2030) phát triển bền vững.

“Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” gồm các hợp phần: Trung tâm điều hành giao thông thông minh và hệ thống các thiết bị ngoại vi, có 12 chức năng (Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; quản lý vận tải; quản lý nhu cầu giao thông; mô phỏng giao thông trong quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải).

Trong đó, bộ não của hệ thống là Trung tâm điều hành giao thông thông minh (có địa chỉ tại số 1 Kim Mã, quận Ba Đình), do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị ngoại vi tại 2 nút giao thông thí điểm trên đường Phạm Văn Bạch (nút giao Hoàng Quán Chi và ngõ 9) với camera hỗ trợ xử phạt, camera đo đếm lưu lượng, camera đo tốc độ, biển báo thông tin giao thông VMS… đang được quan sát, đánh giá hiệu quả sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ thành phố trong thời gian tới.

Cải thiện từng bước tình trạng ùn tắc

“Qua 5 tháng đưa vào vào khai thác Trung tâm điều hành giao thông thông minh - nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giao thông của Thủ đô đang ngày một thông minh hơn. Công tác tổ chức thực hiện (phân luồng giao thông, điều phối giám sát, liên thông quản lý…) đã tối ưu hóa về kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và đáp ứng được nhu cầu. Đồng thời hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội cũng đang góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh đúng nghĩa”, ông Nguyễn Phi Thường nói.

Được biết, ngoài tiêu chí thông minh, 2 chỉ số hiệu quả và thân thiện cũng mà mục tiêu hệ thống giao thông của Hà Nội hướng tới bên cạnh các chỉ số xanh, an toàn… Lướt qua ở góc độ công nghệ, hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội có 9 chức năng (trong đó 7 chức năng có sẵn và 2 chức năng được chờ sẵn để tích hợp). Hệ thống được thiết kế bảo đảm tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống.

Thực tế Hà Nội đã trải qua một giai đoạn phát triển đô thị rất nhanh tạo sức ép lớn lên hạ tầng giao thông nói riêng, hạ tầng đô thị nói chung. Khi số lượng phương tiện và dân cư gia tăng mạnh mẽ, việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh góp phần hạ nhiệt và kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong bối cảnh giao thông công cộng chưa thực sự đáp ứng là điều cấp thiết. Theo đánh giá của Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái, Hà Nội đang đi đúng hướng cả về lộ trình lẫn cách thức triển khai giao thông thông minh.

Theo ông Bùi Quang Thái, Sở GTVT Hà Nội đã tính toán xây dựng hệ thống giao thông thông minh từ nhiều năm trước, nhưng phải đến năm 2024 này nhiều hợp phần nhỏ mới được đưa vào sử dụng như: thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt; thẻ vé xe buýt liên thông; hệ thống camera giám sát giao thông, xử phạt nguội; hệ thống biển báo thông minh cảnh báo ùn tắc cục bộ từ xa... Tuy nhiên, để giao thông Thủ đô thực sự thông minh thì Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, trong đó việc nhanh chóng kết nối các mạng lưới giám sát, điều hành với nhau tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh.

Ngoài ra, Hà Nội cần sớm thực hiện được lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân bên cạnh đẩy mạnh xu thế giao thông xanh thân thiện môi trường. Có như vậy, giao thông Thủ đô những năm tới mới thực sự thông minh, khoa học; xanh và thân thiện như kỳ vọng.