Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2018-2019 cấp THPT do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng 8/1.
Theo báo cáo của Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả đợt thanh tra học kỳ I năm học 2018-2019 với 14/219 trường (trong đó có 8 trường công lập và 6 trường ngoài công lập) cho thấy, kế hoạch hoạt động của các nhóm/tổ chuyên môn rất sơ sài, chưa thể hiện hoạt động giáo dục trong nhà trường, chưa bám sát kế hoạch chung của nhà trường.
“Có những trường thực hiện chưa đủ các buổi sinh hoạt chuyên môn theo quy định. Nội dung sinh hoạt thì thiên về hành chính, trong khi các chuyên đề đổi mới dạy học thì không thấy được thể hiện qua buổi sinh hoạt. Kế hoạch của các giáo viên thì sơ sài, chung chung, thậm chí có sự sao chép, hay chưa có sự phê duyệt của ban giám hiệu”, bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội thẳng thắn nói.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). |
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cũng chia sẻ khó khăn trong việc tổ chức xây dựng các chuyên đề liên môn tại trường mình.
“Giáo viên chúng ta ai cũng coi mình là giỏi và bộ môn mình dạy là quan trọng, một số người trẻ còn mắc bệnh “sao” nên rất khó để kết nối xây dựng các chuyên đề. Cùng một bộ môn đã khó rồi, liên môn còn khó hơn. Đây là điều mà tôi trải qua ở 2 ngôi trường từng làm quản lý”, bà Nhiếp chia sẻ.
“Một số giáo viên thì lại cho rằng không việc gì phải làm, cứ theo chương trình của Bộ mà dạy”.
Ông Dương Công Thịnh, Phó phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội), cũng cho hay sự chỉ đạo công tác đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, dạy học theo chuyên đề ở một số trường chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả không cao. Việc thực hiện tự chủ trong xây dựng kế hoạch dạy học ở từng tổ/ nhóm chuyên môn ở một số trường còn thiếu đồng bộ. Việc sinh hoạt tổ/ nhóm chuyên môn còn nặng về hành chính, chưa thiết thực.
“Xem trong sổ sinh hoạt chuyên môn của các tổ thì các đồng chí chủ yếu ghi các thủ tục hành chính, thông báo thu tiền… là các nội dung không liên quan”, ông Thịnh nhận xét.
Yếu chuyên môn khiến một số thiết bị dạy học không được đưa ra lớp
Tuy nhiên, những hạn chế trong đổi mới dạy học không chỉ nằm ở đội ngũ giáo viên mà còn ở khâu tổ chức quản lý.
Theo ông Thịnh, một số trường còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, thiếu sự chủ động và sáng tạo trong việc cải tạo, sửa chữa trong khi điều kiện có thể tự khắc phục được. Việc khai thác và sử dụng các trang thiết bị dạy học ở một số trường còn yếu, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của cán bộ quản lý; nhân viên quản lý các thiết bị yếu về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn tới việc một số thiết bị không được đưa ra lớp.
“Rất nhiều trường khi chúng tôi đi kiểm tra các giờ các môn có thực hành thì thấy từng lớp bụi trên các tủ kệ chứa thiết bị. Đưa ngón tay quệt vào được một lớp bụi dày”, ông Thịnh kể.
Sở GD-ĐT cũng nhìn nhận nguyên nhân của những hạn chế trên do một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của mình trong từng công việc được phân công. Cùng đó, công tác quản lý và chỉ đạo của hiệu trưởng một số trường chưa thực sự quyết liệt, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; thiếu tính gương mẫu. Những điều này cần được các nhà trường, giáo viên khắc phục trong thời gian tới.
Hải Nguyên
3 hướng dạy tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học tích hợp là điểm mới, đòi hỏi sự thay đổi trong tổ chức dạy học.