Cái cảnh một hôm có người buôn chó đến nhà, bảo gia chủ kiếm bát thức ăn ra dụ chó, con chó mừng rỡ chạy đến vừa cúi xuống thì họ giơ thòng lọng ra xiết chặt cổ. Nó kêu lên ăng ẳng, mắt ngấn lệ rồi ném cái nhìn oán trách vào gia chủ.
Mỗi quốc gia, dân tộc có những bản sắc, nét văn hóa khác nhau. Đem ra áp đặt, so sánh thì thật là khập khiễng.
Cùng với truyền thống ăn chay của Phật giáo, việc kiêng thịt chó dần dần hình thành và trở thành một tín ngưỡng dân gian về kiêng thịt chó ở Việt Nam.
Người ta vẫn giết thịt các con vật như: trâu, bò, lợn, gà (hay như ốc sên và những vật khác ở các nước)...như một chuyện bình thường nhưng không ai đi tranh cãi về việc giết các con vật ấy vì cho rằng đó là chuyện đương nhiên. Nhưng vì sao ăn thịt chó lại gây nhiều tranh cãi đến vậy?
Nếu nói thịt chó là nét văn hóa ẩm thực thì e quá chủ quan vì nét văn hóa ẩm thực nó thường gắn liền với địa phương, vùng miền cụ thể. Và văn hóa ẩm thực thường hướng đến cái thiện, sự lành mạnh, hài hòa, được con người đón nhận, ca tụng (nó khác hoàn toàn với món ăn khoái khẩu). Văn hóa ẩm thực không chỉ là thưởng thức món ăn ngon, có ý nghĩa về vật chất mà nó còn có ý nghĩa về mặt tinh thần.
Vậy món thịt chó có đáp ứng được những ý nghĩa đó?
Cuộc tranh cãi này sẽ chẳng có hồi kết vì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách nghĩ, cách cảm của mỗi người. Nhưng theo tôi, ăn thịt chó chỉ là món ăn khoái khẩu của phần ít người, còn phần đông là ghê sợ hoặc ít khi ăn thịt chó.
Quan niệm kiêng thịt chó đối với người thường và đặc biệt đối với người tu hành là một quan niệm được hình thành trong dân gian. Có lẽ, đây là kết quả của sự pha trộn giữa quan niệm ăn chay Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
Thiển nghĩ, chó là loài vật thân thiết, gắn bó, trung thành và có ích đối với đời sống con người nên thường được con người xem như bạn hữu, thậm chí như một thành viên trong gia đình. Khi còn sống chó được con người đối xử nhân hậu, thường được vuốt ve, tâm sự và lúc chết được chôn cất chu đáo.
Do đó, đánh đập hoặc giết hại chó là một hành vi bất nhẫn, ăn thịt chó lại càng bất nhẫn và táng tận lương tâm hơn.
Ảnh minh họa
Riêng chuyện về chó và ăn thịt chó, tôi xin có đôi lời chia sẻ về con chó trong đời sống tinh thần người Việt và con chó bằng xương bằng thịt ngoài đời rồi để tự mỗi người có cảm nhận và suy nghĩ.
Con chó trong đời sống tinh thần thường được so sánh liên tưởng tới tính cách con người.
Yêu như cún con - Không chỉ người các nước mà người Việt Nam cũng rất yêu con vật này. Nó là con vật nuôi gần gũi với mỗi người. Làng quê Việt Nam đâu mà chẳng có tiếng chó. Đi xa về làng, đi làm đồng về đến ngõ, nghe tiếng chó sủa, vẫy đuôi mừng ai cũng thấy ấm lòng. Thử hỏi ngoài con người ra có con vật nào được yêu quý như chó (và mèo)?
Chẳng thế mà người ta gọi chó là chú, đặt cho chú những cái tên hay, cho chú ăn thức ăn (kể cả thức ăn ngon) của con người, ôm ấp chú. Chó đáng yêu đến nỗi người ta thường gọi con, gọi cháu là con cún con, thằng cún con; con chó, thằng chó con của bố, mẹ, ông, bà. “Thằng chó con của mẹ”- khi tôi gọi con tôi (ngay cả khi nó đã là chàng trai rồi) như vậy thì còn hạnh phúc nào hơn? Vậy con vật nào đáng yêu bằng chó? Vậy ta có ăn thịt “con cún” đó không?
Ở một thái cực khác, chó là con vật bị ghét nên được ví với những đối tượng mà người ta chê bai, khinh ghét đến nỗi nó trở thành những khẩu ngữ thông dụng trong đời sống. Chẳng hạn chửi người mà người ta ghét: Đồ chó đẻ, đồ chó, ngu như chó, giống chó, loại chó má, con người không bằng con chó...
Chê bai việc ở rể: Chó chui gầm chạn.
Thương cảm (có thể chê bai) người hoàn cảnh khó khăn: Chó cắn áo rách.
Phê phán thói xấu: Chó cùng rứt dậu, chó già giữ xương.
Nói về cuộc sống không hòa thuận: Như chó với mèo.
Nhưng suy cho cùng, đó là để nói về thói hư tật xấu của con người, con chó không xấu như vậy.
Con chó thật ngoài đời là vật nuôi, ngoài việc trông nhà thì nó nó còn để người ta làm thịt. Thịt chó, mắm tôm là món khoái khẩu để rồi sinh ra mọi phiền toái đến nỗi “chết không chừa”.
Chẳng thế mà mới sinh ra bọn trộm chó, bắn chó, bẫy chó. Bắn chó lại trượt phải người. Có nơi dân làng bị mất chó nhiều, họ phục kích bắt được và đánh kẻ trộm chó đến chết. (Tội này có đáng chết không nhỉ?).
Chẳng thế mới sinh ra các quán thịt chó mà nổi tiếng ở vùng đê Yên Phụ - Nhật Tân, ngày mỗi ngày quý khách sành điệu khoái khẩu kéo về, mùi thịt nướng thơm lừng một vùng ven đê thơ mộng.
Đi trên đường bắt gặp những cái lồng sắt nhốt chó từ khắp nơi chở về thủ đô, những con chó lo sợ, ngậm ngùi cho thân phận bạc mệnh của mình, cho sự bạc bẽo của nhân tình thế thái. Hôm qua nó còn là “bạn thân” vẫy đuôi mừng của gia chủ nhưng hôm nay đã bị tống tiễn về với “suối vàng”.
Ghê sợ hơn nữa là cảnh những con chó bị thui đen, mổ bụng, nhe răng trắng ởn bị buộc chặt sau xe máy đi nhông nhông ngoài đường về các quán nhậu.
Làng quê Việt Nam nào cũng có thấp thoáng bóng con vật nuôi này. Nhiều nhà nuôi chó đến độ nào đó thì bán hoặc giết thịt. Cái cảnh một hôm có người buôn chó đến nhà, bảo gia chủ kiếm bát thức ăn ra dụ chó, con chó mừng rỡ chạy đến vừa cúi xuống thì họ giơ thòng lọng ra xiết chặt cổ. Nó kêu lên ăng ẳng, mắt ngấn lệ rồi ném cái nhìn oán trách vào gia chủ. Cái giây phút mủi lòng này tôi đã từng trải qua và dám chắc nhiều người trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến. Đó là nỗi ám ảnh về cái ác và sự lừa dối. Bất kể cái ác này được lý giải với bất cứ lý do nào.
Vậy ta còn lòng dạ nào ăn thịt chó nữa không?
Hướng tới cái thiện, kết hợp với vấn đề ăn chay của Phật giáo, mà dần dần trở thành một tín ngưỡng dân gian VN về kiêng thịt chó gắn với Phật giáo. Mà Việt Nam Phật giáo là quốc giáo nên càng có cơ sở để kết luận về điều này.
Ngoài ra, khi cuộc sống văn minh hơn, người Việt Nam sẽ không còn ăn thịt chó?
Thu Sang