"Punch Needle" còn được gọi là thêu nổi, thêu xù, một loại hình thêu nghệ thuật mới nổi những năm gần đây tại Việt Nam. Khác với thêu truyền thống, thêu chữ thập, thêu 3D, bộ môn này dễ làm quen đối với người chưa có kinh nghiệm.

Những sản phẩm được thực hiện bằng phương pháp thêu nổi có thể ứng dụng để làm tranh treo tường, gối, thú nhồi bông... Nguyên liệu khá phổ biến và dễ tìm mua bao gồm: sợi len, vải poke, kim thêu nổi, khung gỗ.

Nguyễn Đức Phương (28 tuổi) có kinh nghiệm thêu nổi hơn 7 năm và là một trong những người đầu tiên theo đuổi môn này tại Việt Nam. "Mặc dù thêu nổi đã phổ biến trên thế giới từ lâu nhưng mới du nhập vào Việt Nam vài năm gần đây. Theo tôi biết, cộng đồng người quan tâm trên cả nước chỉ mới loanh quanh 1.000 người", anh nói. 

Trước đây, Phương là nhân viên khách sạn nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát, công việc của anh phải trì hoãn. Trong thời gian giãn cách xã hội, anh nhận thấy nhiều người có nhu cầu học các môn thủ công nên đã bỏ ngang công việc tại đó về để mở một cơ sở chuyên về thêu nổi nghệ thuật.

Sau một năm hoạt động, việc kinh doanh của Phương đã có lượng khách ổn định. Trong không gian 20m2, đều đặn các ngày trong tuần, rất nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm. Đây cũng là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam đào tạo về Punch Needle.

Lần đầu thử sức với thêu nổi, Hiền (20 tuổi) chia sẻ: "Trước đây em vốn chưa có kinh nghiệm thêu thùa gì, tình cờ biết đến bộ môn này nên đã đăng ký trải nghiệm xem mình có phù hợp hay không. Em thấy khá dễ làm quen, chỉ sau vài bước hướng dẫn đã làm được". 

Mỗi sản phẩm được thực hiện trong vòng từ 2-3 tiếng tùy vào kích thước và độ chi tiết. Đối với những người lần đầu trải nghiệm, hầu hết họ lựa chọn những hình đơn giản, dễ thực hiện. 

Những sản phẩm thủ công ngộ nghĩnh phù hợp để lưu niệm, trang trí, tặng bạn bè, người thân…

"Điểm đặc biệt thu hút của bộ môn này là mình có thể tự tay thực hiện một sản phẩm dành riêng cho bản thân. Mình chỉ trải nghiệm cho vui chứ không có ý định theo lâu dài", Trang (20 tuổi) chia sẻ. 

Kim Hyun Jung (14 tuổi, bên phải) cùng nhóm bạn lần đầu trải nghiệm thêu nổi. "Em thấy hoạt động này rất phù hợp để gắn kết bạn bè. Chúng em vừa làm vừa thoải mái trò chuyện, khi làm xong tặng lẫn nhau, ai nấy đều rất vui vẻ", Kim nói.

Ngoài ra, cơ sở của anh Phương còn cung cấp dịch vụ làm thảm cỡ lớn có tên gọi là Tufting, sử dụng chính những kỹ thuật của Punch Neelde và cần thêm sự hỗ trợ của máy thêu chuyên dụng.

Những sản phẩm thảm cỡ lớn được thực hiện từ 6-8 tiếng, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thực hiện. "Tuy không khó nhưng làm khá lâu, lúc đầu làm quen tay mình còn yếu nên chưa quen", chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ. 

Mỗi ngày, cơ sở của Phương đón khoảng 20 học viên, mỗi ca học là 4 tiếng. Lượng người đăng ký cao điểm thường vào dịp cuối tuần.