Hàn Quốc và Trung Quốc lạnh kỷ lục, tuyết rơi dày đặc. Ảnh: The Paper

11h, chuẩn bị ra khỏi nhà để đi học, Nhật Minh (22 tuổi, du học sinh tại Bắc Kinh, Trung Quốc) mặc bên trong một lớp quần áo giữ nhiệt, tiếp đó là quần dài, áo len dày cùng chiếc áo phao dài qua đầu gối. Nữ sinh không quên đội mũ, choàng khăn len kín cổ, đeo găng tay và khẩu trang.

“Mình phải mặc kín đáo nhất có thể, bởi cứ hở chỗ nào là cảm giác đau buốt chỗ đó", Minh chia sẻ.

Tháng 12, Trung Quốc trải qua đợt rét kỷ lục trong nhiều năm, nhất là khu vực miền Bắc, khiến Trung tâm Khí tượng Quốc gia phải đưa ra cảnh báo hôm 15/12.

Đây được ghi nhận là một trong những đợt lạnh nhất trong nhiều năm qua tại Trung Quốc, nhiệt độ hầu hết vùng đều giảm mạnh 8-12 độ, một số địa phương thuộc các tỉnh miền Bắc giảm hơn 20 độ kèm tuyết rơi dày và gió mạnh.

Cá biệt, ngày 16/12, thị trấn Đồ Lý Hà thuộc khu tự trị Nội Mông ghi nhận nhiệt độ xuống tới -44,2 độ C.

Không riêng Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang ở giữa mùa thời tiết lạnh nhất, khi nhiệt độ ở Seoul giảm mạnh xuống -12,4 độ C vào sáng 17/12.

Korea Times đưa tin thời tiết lạnh giá dự kiến tiếp tục kéo dài và nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng dự kiến dao động từ -17 độ đến 2 độ C trên toàn quốc trong cả tuần.

Miếng dán giữ nhiệt cũng vô tác dụng

Tại Bắc Kinh, tuyết rơi dày từ đầu tuần trước. Ngày 18/12, nhiệt độ giảm -15,5 độ C, gần mức thấp lịch sử năm 1952 (-15,2 độ C), theo Reuters.

Nhật Minh kể mỗi lần ra ngoài, dù mặc 2 lớp quần, cô buộc phải mặc áo phao dài để che kín đầu gối, không để lạnh khớp.

Miếng dán giữ nhiệt cũng được tận dụng, thế nhưng nhiệt độ ở mức âm, Minh cảm thấy “có dán cũng như không, vẫn lạnh như bình thường”.

Mới du học hơn một năm, Minh cho biết năm ngoái, Bắc Kinh lạnh nhưng không “khủng khiếp” như năm nay. Cô mô tả nếu để tay ra ngoài quá 10 giây là đau buốt, sưng đỏ, mất cảm giác.

Lạnh khô, tuy không chảy máu cam, Minh cũng thường xuyên bị khô màng mũi, các vết nứt hình thành, chỉ cần dụi nhẹ là có máu đọng lại gây ngứa khó chịu.

“Bạn bè của mình, người thì cảm lạnh, người thì sốt. Lớp có 12 bạn mà 4 bạn nghỉ vì ốm rồi", Minh chia sẻ.

du hoc sinh Viet anh 1du hoc sinh Viet anh 2

Nhật Minh cho biết năm ngoái, Bắc Kinh lạnh nhưng không “khủng khiếp” như năm nay. Tuyết cũng rơi dày hơn nên cô cũng tranh thủ checkin. Ảnh: NVCC.

Tương tự, cũng sống tại Bắc Kinh, Thu Hiền (22 tuổi, sinh viên Đại học Giao thông Bắc Kinh) cho biết thời tiết khắc nghiệt khiến da cô bị mẩn đỏ. Nữ sinh phải sử dụng dưỡng ẩm và bôi thuốc mang từ Việt Nam mới đỡ.

Mỗi lần ra ngoài, Hiền cũng mặc 3 lớp áo, 2 lớp quần, “không để hở bộ phận nào trên cơ thể kẻo đông cứng".

Ở Hàn Quốc, Thu Ngân (29 tuổi, du học sinh tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc) cho biết nhiệt độ Seoul là -12 độ C nhưng cảm nhận thực phải xuống tới -20 độ C vì gió lớn. Đi bộ ra ngoài, Ngân phải sắm thêm đôi boots lót lông. Nếu không, chân sẽ tê cứng.

“Mình tận dụng hết áo giữ nhiệt, áo len bên trong. Bên ngoài mặc thêm áo khoác phao padding. Cũng may, sinh viên chỉ vất vả khi di chuyển bên ngoài bởi ở trường cũng có sẵn hệ thống sưởi”, Ngân cho hay.

Nhưng dù vậy, nữ sinh cũng không tránh khỏi bị cảm do lạnh. Đúng đợt ôn thi cuối kỳ nên cô khá vất vả.

Nhưng điều Ngân lo lắng hơn là chỉ chưa đầy một tuần nữa, cô sẽ về Việt Nam ăn Tết. Trong khi đó, gió lạnh và tuyết rơi có thể khiến các chuyến bay bị hủy, các phương tiện khác cũng bị trì hoãn.

Loay hoay sống chung với lạnh

Thuê trọ sống một mình ở Seoul, Thu Ngân cho biết phòng cô ở tầng thượng nên lạnh hơn các phòng bên dưới. Mùa đông đến, Ngân phải dán xốp cách nhiệt, chắn gió lên cửa kính, chấp nhận đóng cửa và bật đèn cả ngày để gió không lùa vào.

Để phòng ấm và nước không bị đóng băng, Ngân chỉ có cách bật hệ thống sưởi bên dưới cả ngày. Tuy nhiên, cô điều chỉnh chế độ bật quay vòng 4 giờ/lần và chỉ sử dụng ở mức 20-25 độ C, không dám bật cao hơn bởi nhiệt độ càng lớn, lượng ga tiêu thụ càng nhiều.

du hoc sinh Viet anh 3

Thu Ngân mặc kín mỗi lần phải ra ngoài. Ảnh: NVCC.

“Bình thường, mình chỉ dùng hết khoảng 10.000 won tiền ga. Nhưng bật sưởi liên tục như bây giờ, hóa đơn cũng lên đến 50.000-70.000 won, mình nhìn mà hoảng", Ngân cho biết cô dùng thêm quạt sưởi để phòng ấm hơn. Chiếc quạt này, nữ sinh cũng mua trên ứng dụng rao bán đồ cũ, rẻ được khoảng một nửa tiền.

Khác với Thu Ngân, ở Bắc Kinh, Thu Hiền và Nhật Minh sống tại ký túc xá của trường nên không phải lo chi phí hệ thống sưởi. Tuy nhiên, Minh cũng tìm cách sống chung với cái lạnh ở Bắc Kinh.

Thời gian này, trừ việc đến trường và lên thư viện, cô cũng hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, không thể đi xe đạp do có tuyết, đường trơn trượt, Nhật Minh chấp nhận đi bộ, dù như vậy đồng nghĩa với việc phải đi bộ ngoài trời 20-30 phút.

Nữ sinh vẫn duy trì thói quen nấu ăn hàng ngày để đồ ăn nóng sốt. Để tránh da khô, nứt nẻ, Minh phải sử dụng dưỡng thể thường xuyên. Cô cũng uống nước ấm liên tục để giữ nhiệt bên trong cơ thể.

Tương tự, Thu Hiền cho biết 2-3 ngày, cô lại đi chợ một lần, mua sẵn thực phẩm để tiện nấu nướng, không phải ra ngoài nhiều. Nữ sinh cho hay giá thực phẩm tại khu vực cô sống vẫn ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hay tăng giá nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Theo Tạp chí Tri thức - Znews