Với sở trường diễn giải các vấn đề hàn lâm, phức tạp theo cách những người không chuyên có thể hiểu được, trong cuốn sách “Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao”, Michael Sandel - Giáo sư Triết học chính trị tại Trường Luật Harvard đã khai phá góc nhìn khác về chế độ trọng dụng nhân tài.

“Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao” là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về nguồn gốc, thực trạng của chế độ nhân tài ở Mỹ trong bối cảnh bất công, mâu thuẫn xã hội gia tăng. 

Ông cho rằng nguyên nhân sâu xa của thực trạng bất bình đẳng giàu nghèo trở nên ngày càng sâu sắc, xã hội phân hóa chưa từng thấy và bất kỳ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể bùng phát thành cơn thịnh nộ, là do chế độ “trọng dụng”, “ưu ái” nhân tài mà ra. 

Ông viết: “Đến thập niên 2000, những người không có trong tay tấm bằng đại học không chỉ bị xem thường, tại Mỹ và Tây Âu, họ hầu như vắng mặt trong các bộ máy chính quyền”.

“Sự leo thang của văn hóa thi thố là minh chứng cho việc các trường đại học đã bị biến thành nơi huấn luyện cơ bản để sinh viên có thể cạnh tranh được trong chế độ nhân tài, là môi trường giáo dục để sinh viên học cách thể hiện bản thân sao cho đúng nhằm ứng tuyển thành công vào vị trí mong muốn”.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không hạnh phúc. Nhưng khó khăn kinh tế không phải là nguồn cơn duy nhất của nỗi phiền muộn họ gặp phải. Thời đại trọng dụng nhân tài còn gây ra những thương tổn tiềm ẩn hơn đối với tầng lớp lao động: nó làm xói mòn phẩm giá công việc”.

Nhìn vào thực tế hiện nay, chế độ “trọng dụng nhân tài” vẫn được coi là giải pháp hữu hiệu để phát triển các quốc gia.

Tuy nhiên, Michael Sandel khẳng định: Ngay trong khái niệm “nhân tài” đã hàm chứa rất nhiều sự bất bình đẳng. Trên thực tế, những tư tưởng của chế độ “trọng dụng nhân tài” đã âm thầm ăn sâu vào tư tưởng của tất cả mọi người lúc nào không hay và tạo nên nhiều hệ lụy trong xã hội. Chỉ khi những người có tài năng, có những đóng góp nổi bật cho xã hội mới được ưu ái và thành công, còn số đông bình thường còn lại sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề. Khi tấm bằng đại học từ các trường danh giá là cơ hội đổi đời và nâng cao vị thế xã hội, người ta sẽ tìm mọi cách để kiếm được tấm bằng đó, kể cả với những phương thức bất chính. Lợi ích, tài năng cá nhân trở thành thứ quan trọng được ưu tiên hàng đầu, còn lợi ích chung chỉ là những lời sáo rỗng của các chính trị gia dân túy. 

Bắt đầu từ câu chuyện của nước Mỹ hiện đại và “giấc mơ Mỹ” của bao người, qua 380 trang sách, cuốn “Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao” phân tích khá rõ thực trạng không chỉ ở Mỹ mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. 

Theo Tara Westover, tác giả cuốn “Được học”, thì trong “Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao”, Giáo sư Michael Sandel đã nêu rõ một số lầm tưởng phổ biến nhất về thành công. Đây là cuốn sách phải đọc đối với bất kỳ ai đang cố gắng hiểu được sự phẫn nộ của chủ nghĩa dân túy, và tại sao đối với nhiều người, Giấc mơ Mỹ lại giống như một lời chế nhạo chứ không phải một lời hứa. 

TS. Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Trường Đại học Fulbright Việt Nam), đánh giá cao bản dịch tiếng Việt do Omega Plus Books phát hành năm 2023 giúp công chúng độc giả Việt Nam hiểu thêm không chỉ về nước Mỹ và thế giới, mà còn về những vấn đề chúng ta đang đối mặt ngay ở trong nước, trong bối cảnh toàn cầu. 

“Tập sách nêu vấn đề và gợi mở giải pháp. Thay vì ngạo mạn với tài năng và công trạng của mình, sự khiêm nhường giúp chúng ta vượt lên tính chuyên chế của thiên kiến tài năng và công trạng, để “hướng tới một cuộc sống xã hội ít thù hằn và rộng lượng hơn”, TS. Nguyễn Nam chia sẻ.

Đại diện Omega Plus Books cho biết, “Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao” là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về nguồn gốc, thực trạng của chế độ nhân tài ở Mỹ trong bối cảnh bất công, mâu thuẫn xã hội gia tăng. Tác giả là một học giả danh tiếng đã cung cấp nhiều thông tin về lịch sử,lý thuyết liên quan, để tìm hướng giải quyết cho nước Mỹ, từ đó Việt Nam có thể tránh đi vào con đường này.

Cuốn sách này rất phù hợp với những độc giả phổ thông thích tìm hiểu về chính trị, dịch chuyển xã hội, bất bình đẳng/bất công xã hội, lợi ích cá nhân/tập thể; chuyên gia công tác trong ngành giáo dục, chính sách công, xã hội học, luật học…

Michael Sandel là một triết gia chính trị, nổi tiếng với các bài giảng về công lý. Nhiều cuốn sách nổi tiếng của ông đã từng xuất bản ở Việt Nam, được độc giả đón đọc. Các tác phẩm của ông thường xới lại những nhận thức chung tưởng như đã mặc định hiển nhiên đúng và đưa cho độc giả những góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội. 

Phạm Bình Minh, Lê Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Lan Anh