Cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng xe Volkswagen- Đức chia sẻ với Góc nhìn thẳng về những bất hợp lý và mối lo rủi ro gây nổ khi bắt buộc lắp đặt bình chữa cháy trong mọi loại ô tô ở Việt Nam.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Kể từ ngày 6/1 năm nay, các chủ xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải trang bị bình chữa cháy trên xe. Liệu quy định này có thực sự mang lại an toàn cho xe lưu thông hơn hay không khi nhiều chủ xe lo ngại, bình chữa cháy có thể gây nổ ô tô.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã mời Thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng, nguyên là chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng xe Volkswagen- Đức để cùng trao đổi về câu chuyện này. Ông Đồng hiện là Giám đốc Công ty tư vấn công nghệ ô tô Đức- Việt tại Tp HCM.

Xin mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Thanh Huyền: Thưa ông, sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư 57 yêu cầu bắt buộc các xe con dưới 9 chỗ cũng phải mang theo bình chữa cháy và đang gây ra phản ứng trái chiều từ những người sử dụng xe ô tô. Ông có đánh giá thế nào về quy định này?

Ông Nguyễn Minh Đồng: Cách đây 2 ngày tôi có biết được về Thông tư này và hoàn toàn phản đối và không đồng ý về vấn đề khoa học và an toàn cho người sử dụng ô tô.

Tất cả các xe ô tô ở trên thế giới trước khi được sản xuất và bán ra thị trường luôn phải kiểm định rất ngặt nghèo trong công tác phòng cháy. Tức là ngay cả khi tông vào một bức tường hay bị tông trước hoặc sau bởi một phương tiện khác với tốc độ cao khoảng 60km/h cũng không được bốc cháy. Ngay cả bình xăng cũng không được bể và khi có tai nạn thì ô tô sẽ có một hệ thống tự động ngắt bơm nhiên liệu, để xe không thể bốc cháy được.

Chúng ta đã thấy nhiều vụ tai nạn liên hoàn nhưng không thấy xe nào cháy cả. Vấn đề để một bình chữa lửa bên trong xe là cực kỳ nguy hiểm. Trong khi tai nạn xảy ra, bình chữa cháy này có thể là một vũ khí và có thể làm chết người ngồi phía trong.

Nhà báo Thanh Huyền: Từ góc độ là một chuyên gia về thiết kế máy ô tô của hãng xe nước ngoài , xin ông cho biết, các hãng xe trên thế giới thường thiết kế tính năng tích hợp với bình cứu hoả như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Đồng: Bình chữa lửa trên thế giới, không có quy định từ Bắc Âu, châu Âu, Nhật. Tôi đã từng đi rất nhiều quốc gia trên thế giới thì hoàn toàn không bắt buộc điều này. Cái đó không phải đem lại sự an toàn người tài xế, những người ngồi trong xe. Trong khi đó, tai nạn có thể gây ra chết người ở trong xe. Có thể, nó biến thành một quả bom, nếu nó không chịu nổi độ nóng ở trong xe. Do đó, những quy định đó không được đưa vào những an toàn trong xe.

Nhà báo Thanh Huyền: Ở Việt Nam, do đặc thù thời tiết của nước nhiệt đới nên nhiệt độ mùa nắng nóng bên ngoài có thể lên tới 40-43 độ C và nhiệt độ trong xe có thể tới 70-80 độ C. Vậy theo ông, liệu những chiếc bình chữa cháy này có thể tự phát nổ hay không?

Ông Nguyễn Minh Đồng: Nhiệt độ trong xe có thể lên đến 80 độ C là bình thường với điều kiện của miền nhiệt đới. Thứ nhất, nó là hết sức nguy hiểm cho tài xế và những người ngồi trong xe và thậm chí, còn nguy hiểm hơn rất nhiều về vấn đề cháy xe. Tại vì, những xe hiện đại thì vấn đề phòng cháy chữa cháy đã được quan tâm tới từ khi thiết kế. Còn vấn đề bình chữa lửa ở ở Việt Nam hay các nước trên thế giới thì chưa có bình chữa cháy nào chịu được nhiệt độ cao tới 80-100 độ C. Do đó, nó hết sức nguy hiểm cho người tài xế, mức độ cao gấp nhiều lần so với việc không mang bình phòng cháy chữa cháy.

Nhà báo Thanh Huyền: Sau khi Thông tư 57 vừa mới ban hành thì ông thấy, giới chơi xe hơi họ phản ứng như thế nào? Cũng là một trong những người đi xe hơi, bản thân ông và bạn bè ông có những phản ứng như thế nào trước quy định này?

Ông Nguyễn Minh Đồng: Tôi có ý định là sẽ viết thư cho Bộ Công an để họ hướng dẫn tôi nên mua bình chữa lửa nào? Nếu họ hướng dẫn không được thì tôi sẽ không trang bị. Thứ 2, nếu tôi bị phạt, có khả năng tôi kiện ngược lại quyết định này. Tôi sợ, thay vì chết lửa, tôi lại chết vì bom.

Có thể, tôi sẽ viết thư cho Bộ Công an để họ mua cái nào an toàn, cái nào không an toàn. Tôi nghĩ, Bộ Công an không phải là những chuyên gia thực sự về an toàn về thiết kế xe hơi, hãy để cho các công ty xe hơi họ tự làm. Nếu bộ nghĩ là lý do an toàn, thì hãy chứng minh khoa học.

Nhà báo Thanh Huyền: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ bổ ích! Xin kính chào quý vị. Tạm biệt và hẹn gặp lại!

Quy định trái khoáy! Vừa lắp vừa run! Dễ mang hoạ vào thân! Nguy cơ gây nổ! Lợi bất cập hại!... Đó là những điều mà suốt tuần qua, nhiều tờ báo nói về quy định, từ 6/1 năm nay, ô tô các loại sẽ phải lắp đặt bình chữa cháy, theo Thông tư 57 của Bộ Công an.

Bộ Công an cho rằng, quy định này sẽ giúp các chủ xe giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại nếu có hoả hoạn xảy ra, nhưng các tài xế lại nghĩ khác, mang bình chữa cháy là quá nguy hiểm khi chạy xe dưới thời tiết nắng nóng ở Việt Nam. Rõ ràng, một chính sách mang ý nghĩa tích cực nhưng sẽ trở nên phản tác dụng nếu không được chứng minh một cách khoa học và người dân đồng thuận.

Thông tư 57/TT-BCA ngày 26/10/2015 quy định:Từ 6/1/2016: ô tô phải mang bình chữa cháy; Phạt 300.000-500.000 đồng/vi phạm. Đã có 600 vụ cháy nổ xe máy, ô tô xảy ra kể từ năm 2011, 253 vụ cháy ô tô xảy ra năm 2014-2015

Tính đến 2015, có 2,6 triệu ô tô lưu hành sẽ bắt buộc phải mang bình chữa cháy theo Thông tư này. 


VietNamNet