Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook tham dự cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các thành viên trong Nội các vào ngày 25/8. Ảnh: AFP
Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook tham dự cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Cuộc họp giữa chính phủ Mỹ với các doanh nghiệp dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ đến bảo hiểm, diễn ra vào ngày 25/8 sau khi xuất hiện một số cuộc tấn công mạng nổi cộm gần đây, đặc biệt là vụ tấn công vào nhà thầu phần mềm chính phủ SolarWinds và hệ thống đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline.

Các doanh nghiệp Mỹ đưa ra nhiều cam kết ngay tại cuộc họp với Tổng thống Biden, từ việc hướng tới các tiêu chuẩn mới của ngành đến việc cung cấp cho các doanh nghiệp khác công cụ bảo mật mạnh hơn và đào tạo kỹ năng cho người lao động để lấp đầy khoảng trống 500.000 việc làm trong lĩnh vực an ninh mạng tại Mỹ.

Tổng thống Biden gần đây đã ký một sắc lệnh hành chính yêu cầu các cơ quan của Mỹ sử dụng xác thực hai yếu tố để đăng nhập với hy vọng có thể ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.

Nhà Trắng cho biết Apple sẽ xây dựng một chương trình nhằm cải thiện bảo mật trên các chuỗi cung ứng công nghệ của họ, bao gồm hệ thống làm việc với các nhà cung ứng để áp dụng xác thực đa yếu tố và đào tạo bảo mật.

Phía Google khẳng định họ sẽ đầu tư hơn 10 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng cường an ninh mạng và cam kết đào tạo 100.000 lao động Mỹ trong các lĩnh vực kỹ thuật như hỗ trợ công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu thông qua chương trình Chứng chỉ nghề nghiệp. Khoản cam kết tài chính của Google sẽ được sử dụng để tăng cường chuỗi cung ứng phần mềm và bảo mật nguồn mở, cùng nhiều thứ khác.

Sau cuộc họp với Tổng thống Mỹ, Giám đốc điều hành Microsoft, ông Satya Nadella đã đăng tải dòng tweet trên trang cá nhân rằng tập đoàn này cam kết chi 20 tỷ USD trong vòng 5 năm để cung cấp các công cụ bảo mật cao cấp hơn. Vị CEO này cho biết thêm Microsoft sẽ đầu tư 150 triệu USD để hỗ trợ các cơ quan chính phủ Mỹ nâng cấp hệ thống bảo mật và mở rộng quan hệ đối tác đào tạo về an ninh mạng. Trước đó, Microsoft đã chi 1 tỷ USD mỗi năm cho an ninh mạng, kể từ năm 2015.

Còn Amazon Web Services, công ty con chuyên cung cấp các nền tảng điện toán đám mây theo yêu cầu của Amazon, đang có kế hoạch cung cấp cho các chủ tài khoản thiết bị xác thực đa yếu tố miễn phí để bảo mật dữ liệu của họ tốt hơn. Công ty này cũng lên lên kế hoạch "đào tạo nhận thức về bảo mật" cho các tổ chức và cá nhân.

Sau cuộc họp với Nhà Trắng, Giám đốc điều hành hãng dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đánh giá đó là "một cuộc thảo luận hợp tác, rất hiệu quả". "Hy vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và làm tốt công việc để bảo vệ đất nước của chúng tôi trước một vấn đề thực sự phức tạp", ông Jamie Dimon nói.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Microsoft cho rằng sự kiện này "đã tập hợp những thành phần phù hợp để có một cuộc thảo luận chất lượng tốt".

Hai giám đốc điều hành của công ty cung cấp và xử lý nước quy mô lớn cho biết cuộc thảo luận lần này tại Nhà Trắng nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các đơn vị trong nhiều lĩnh vực. Giám đốc điều hành của Công ty cung cấp và xử lý nước American Water, ông Walter Lynch cho biết "đã có sự nhận thức rằng chúng tôi phải phối hợp cùng nhau giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng mà nước Mỹ đang đối mặt".

(Theo Báo Đầu tư)

 

Big Tech đến Nhà Trắng để bàn về an ninh mạng

Big Tech đến Nhà Trắng để bàn về an ninh mạng

CEO của ba gã công nghệ khổng lồ nước Mỹ là Amazon, Apple và Microsoft được cho là sẽ đến Nhà trắng để bàn về vấn đề an ninh mạng với Tổng thống Joe Biden.