Giải pháp “phạt cho tồn tại” có lợi là không phải tiêu huỷ tiền của, nhưng gây hậu quả "nhờn luật", làm mất lòng tin của dân và nương tay với các nguy cơ tham nhũng.

Xem bài 1: GS Đặng Hùng Võ nói về một việc trái luật

Việc có khá nhiều ý kiến trái chiều trên công luận về giải pháp xử lý đối với phần công trình xây dựng vi phạm pháp luật được quy định tại Thông tư 02 cũng là điều có lý.

Giải pháp nào là hợp lý?

Trong trường hợp này, giải pháp "phạt cho tồn tại" cũng là cực đoan và giải pháp "tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm" cũng là cực đoan. Giải pháp phá dỡ triệt để có lợi là thực thi nghiêm pháp luật, thực thi nghiêm quy hoạch, nhưng có hại là phải phá huỷ một phần tiền của nhất định trong xã hội.

{keywords}
Một số ngôi nhà xây trái phép ở thủ đô vừa qua đã phải cắt ngọn. Ảnh: VnE

Giải pháp “phạt cho tồn tại” có lợi là không phải tiêu huỷ tiền của, nhưng gây hậu quả "nhờn luật", làm mất lòng tin của dân và nương tay với các nguy cơ tham nhũng.

Dựa vào phân tích lợi - hại, có thể đưa ra các nguyên tắc xử lý phù hợp, cụ thể như sau:

1- Về phạm vi thời gian và không gian: Nói chung phải tháo dỡ phần công trình đã vi phạm pháp luật trong trường hợp khu vực đó đã có quy hoạch mặt bằng chi tiết và quy hoạch cảnh quan về độ cao được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu chỉ có quy hoạch mặt bằng chi tiết được phê duyệt thì buộc phá dỡ phần công trình vượt ra ngoài mặt bằng theo quy hoạch.

Nếu đã có quy hoạch cảnh quan về độ cao được phê duyệt thì phải phá dỡ phần công trình vượt quá độ cao theo quy hoạch. Những trường hợp khác không thuộc phạm vi không gian và thời gian nói trên nên được xử lý theo cách "phạt cho tồn tại".

2- Trong những trường hợp phải tháo dỡ, cũng cần xử lý cho tồn tại đối với những trường hợp phần không gian đó đã thực hiện giao dịch với bên thứ ba, ví dụ như nhà ở mà chủ đầu tư đã bán cho người mua nhà theo thủ tục mua - bán nhà phù hợp pháp luật.

3- Đối với những trường hợp "phạt cho tồn tại", cần nâng mức phạt lên rất cao để chủ đầu tư bị thiệt hại thực sự từ hành vi vi phạm pháp luật. Theo so sánh giá thuê nhà và giá mua nhà ở Việt Nam, nhà cho thuê sau một nửa thời gian tuổi thọ của nhà thì thu hồi được vốn. Vậy mức phạt cần đưa lên tới 50% giá trị của phần công trình vi phạm pháp luật.

4- Thực trạng vi phạm pháp luật đối với các công trình xây dựng vẫn xảy ra thường xuyên là do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra không thực hiện đúng trách nhiệm.

Như vậy, bên cạnh việc xử phạt, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm đối với cán bộ quản lý có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện kịp thời các công trình xây dựng có vi phạm. Mức xử lý đúng là cách chức và chuyển sang làm nhiệm vụ khác phù hợp hơn với tinh thần trách nhiệm đã thể hiện.

Sự thực, đây là một vấn đề lớn thường gây tranh cãi trong xã hội. Cái được và cái mất cần được phân tích cặn kẽ cho từng nhóm trường hợp. Việc đưa ra các quy định không hề đơn giản. Vấn đề này cần được bàn thảo kỹ lưỡng và nên hình thành văn bản quy phạm pháp luật có các quy định chi tiết ở mức Nghị định của Chính phủ.

Vấn đề không chỉ trong phạm vi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng mà còn phải có các quy định về các giải pháp ngăn chặn hiện tượng này trong tương lai.

Làm gì cho tương lai?

Các cơ chế cần quyết tâm thực hiện để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật của các công trình xây dựng cũng không khó định hình. Điều này đã được nhiều lý thuyết và thực tế trên thế giới khẳng định.

Giải pháp thứ nhất, công khai mọi loại quy hoạch, mọi dự án đầu tư, mọi giấy phép xây dựng đã cấp để các tổ chức và công dân có đủ điều kiện thực hiện quyền giám sát; cơ quan nhà nước cần tạo phương thức dễ dàng tiếp nhận và xử lý các thông tin giám sát này.

Giải pháp thứ hai, quy định thật rõ về nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc triển khai các công trình xây dựng.

Giải pháp thứ ba, xác định rõ các hình thức kỷ luật đối với các cán bộ không phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, để cho hành vi vi phạm pháp luật đã hoàn thành.

Giải pháp thứ tư, khi có hành vi vi phạm pháp luật đã hoàn thành thì phải xử lý đúng như quy định của pháp luật.

Trong thời gian gần đây, không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà ở nhiều lĩnh vực khác đã xẩy ra khá phổ biến bệnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa "chín", "nhờn luật" trong thực thi pháp luật. Việc "nhờn luật" của người dân có nguyên nhân chủ yếu từ thiếu hiểu biết pháp luật (thường là người nghèo). Và cũng có một số trường hợp vì lợi ích (thường là người giầu).

Việc "pháp luật chưa chín" hoặc "nhờn luật" của các cơ quan quản lý có nguyên nhân chủ yếu từ chưa nghiên cứu kỹ thực tiễn hoặc chịu tác động của các nhóm lợi ích.

Việc Bộ Xây dựng tạm ngừng thực hiện Thông tư này thể hiện trách nhiệm cao trong tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp thoả đáng.

Gs. TSKH. Đặng Hùng Võ

Xem thêm các bài trong loạt bài "Phạt cho tồn tại" của Tuần Việt Nam:

Nhan nhản 'dưới nhỏ trên to, dưới thụt trên thò'

Một người nước ngoài sống nhiều năm ở HN nhận xét: "Thủ đô của cậu có những ngôi nhà xây kiểu dưới nhỏ trên to, dưới thụt vào trên thò ra nhan nhản".

Không 'chém' hàm cá mập, Hồ Gươm đã thành 'ao làng'?

Giả sử như ngày trước ngành chức năng không quyết tâm xử lý "Hàm cá mập" và các công trình khác, Hồ Gươm có biến thành cái "ao làng" thấp bé?

Dân không đồng ý, khó mà xử phạt!

Ai dám đảm bảo rằng “phạt cho tồn tại” không cổ súy cho tình trạng xây dựng trái phép, không phép tiếp tục xảy ra trong cái cơ chế rất “linh hoạt” nhưng “lỗi thời” hiện nay

Chuyện gì cũng "chạy" được?

 Quy định có tính thỏa hiệp như vậy trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật và chuyện gì cũng có thể “chạy” được.