“Cha đẻ” thuyết quyền lực mềm, Giáo sư Joseph Nye, tin rằng Mỹ vẫn tiếp tục nắm giữ sức mạnh lớn nhất thế giới.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Theo Huffington Post, trong cuốn tạp chí Cuộc sống xuất bản hồi tháng 2/1941, tác giả Henry Luce đã đưa ra quan điểm về “Thời đại vàng của Mỹ”. Quan điểm này mới đây đã được Giáo sư Joseph Nye, thuộc trường Đại học Harvard, thảo luận trong cuốn sách mang tựa đề “Thời đại vàng của Mỹ liệu đã đến hồi kết?”.
Giáo sư Nye là thành viên Hội đồng Các nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston. (Ảnh: VietNamNet) |
Từ thế kỷ 20, Mỹ đã khẳng định và duy trì thành công vị trí quân sự và kinh tế lớn nhất thế giới. Trải qua nhiều biến cố, Mỹ vẫn khẳng định vai trò trụ cột trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Trong cuốn sách mới, Giáo sư Nye, thành viên Hội đồng Các nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston, khẳng định niềm tin sức mạnh ưu thế của Mỹ sẽ được duy trì ổn định trong tương lai. Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa là trên thực tế, chưa quốc gia nào có đủ tiềm lực để bắt kịp với Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể phát triển ngang tầm với Mỹ trong thế kỷ mới, nhưng Giáo sư Nye tin rằng điều đó khó có thể trở thành hiện thực. Ông nhấn mạnh Mỹ nắm 46% trong tổng số 500 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, trong đó 19 trong 25 nhãn hiệu quốc tế hàng đầu được người Mỹ sở hữu. Bên cạnh đó, trình độ phát triển khoa học kĩ thuật của Trung Quốc còn bị tụt hậu và hạn chế so với Mỹ.
Theo Giáo sư Nye, trên thực tế chưa quốc gia nào có đủ tiềm lực để bắt kịp Mỹ. |
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc coi trọng quyền lực mềm trong việc đưa tiếng nói của nước này lên chính trường quốc tế, thông qua đầu tư vào quảng bá tiếng Trung và văn hoá Trung Quốc, sử dụng các viện Khổng Tử và nhiều phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, quyền lực mềm Trung Quốc sử dụng chủ yếu đến từ ảnh hưởng của chính phủ, trong khi quyền lực mềm của Mỹ xuất phát từ xã hội dân sự thông qua các trường đại học, văn hoá xã hội, các tổ chức cá nhân…
Bên cạnh đó, vai trò nổi trội của Mỹ trên chính trường quốc tế sẽ được duy trì trong thời gian tới, một phần do hình ảnh của Mỹ được đánh giá cao bởi bạn bè quốc tế. Giáo sư Nye nhấn mạnh “chính sách mở cửa đối với người nhập cư của Mỹ thu hút nhiều sự quan tâm từ các nước khác”.
Ông trích dẫn, 25% các công ty công nghệ mới được thành lập bởi người nhập cư, và 40% trong tổng số 500 công ty ghi nhận bởi tạp chí Fortune được sáng lập bởi người nhập cư và con cháu của họ.
Quyền lực mềm có mối quan hệ chặt chẽ với hợp tác quốc tế, đặc biệt trong kỷ nguyên đa phương. Giáo sư Nye cho biết, nếu muốn duy trì “kỷ nguyên vàng”, Mỹ cần phải làm nhiều hơn bên cạnh sử dụng quyền lực để gây tầm ảnh hưởng tới các nước khác. Sức mạnh cần được cân nhắc sử dụng để hướng tới mục tiêu chung giữa các nước”.
Từ những lập luận nêu trên, “cha đẻ” của thuyết quyền lực mềm đã đi đến kết luận chắc chắn rằng, “thời đại vàng của Mỹ chưa đi đến hồi kết”.
Thu Hà – Kiều Anh