Đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch Hà Giang. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, giãn việc.
Cũng do ảnh hưởng từ đại dịch đã khiến một số sự kiện du lịch của tỉnh Hà Giang phải hủy bỏ. Mới đây nhất, Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2021” đã phải dừng tổ chức. Trong hoàn cảnh đó, ngành du lịch Hà Giang đứng trước yêu cầu chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức, xác định hướng đi và giải pháp phù hợp để phát triển bứt phá.
Hà Giang đẩy mạnh quảng bá du lịch trong tình hình mới |
Ngày 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về truyền thông giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, văn hóa trà và sản phẩm đặc trưng tỉnh Hà Giang qua ứng dụng công nghệ số.
Theo đó, tỉnh phối hợp với Tập đoàn FPT thực hiện truyền thông về chương trình trên báo chí, fanpage, kênh youtube để quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của tỉnh, quảng bá du lịch Hà Giang. Tỉnh cũng sẽ tổ chức triển lãm ảo để giới thiệu các sản phẩm của tỉnh có liên kết đến các sàn giao dịch như Sendo hay Shop VnEpress.
Nhờ đó, nhiều hình ảnh, video về văn hóa, con người, du lịch của Hà Giang như ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bản sắc văn hóa đặc sắc các dân tộc được quảng bá rộng rãi trên nền tảng số. Bên cạnh đó, những hình ảnh du lịch, sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Hà Giang sẽ vượt qua giãn cách xã hội để đến với bè bạn trong và ngoài nước Điều này giúp du lịch Hà Giang duy trì việc quảng bá để sẵn sàng hoạt động trở lại khi dịch được kiểm soát tốt.
Năm 2020, khách du lịch đến Hà Giang đạt 1,5 triệu lượt người - đạt 100% kế hoạch năm. Đặc biệt, gần 90% du khách đến với Hà Giang là thị trường khách nội địa. Để hoàn thành chỉ tiêu đó, tỉnh Hà Giang đã triển khai quyết liệt việc đảm bảo 4 tiêu chí an toàn. Đó là: Phương tiện vận chuyển khách an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà hàng an toàn và điểm đến an toàn.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chúc nhiều chương trình, hoạt động tạo tâm lý an tâm cho du khách khi đến Hà Giang; Tập trung khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp và tư nhân kinh doanh hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển dịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo nhắm vào thị trường khách du lịch trong nước và khách nội tỉnh.
Với mục tiêu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tỉnh chủ động, chuẩn bị sẵn các kịch bản xúc tiến quảng bá du lịch nhằm vào thị trường khách du lịch nội địa như: tổ chức không gian trưng bày văn hóa, du lịch, và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; tổ chức khảo sát và hội nghị kích cầu du lịch nội địa Hà Giang; Liên hoan Ẩm thực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang; tổ chức các chương trình khảo sát, kích cầu du lịch nội địa tới Hà Giang. …
Du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chủ trương sắp tới của tỉnh Hà Giang là tiếp tục quan tâm, đầu tư, hỗ trợ để du lịch phát triển hiệu quả, bền vững. Tỉnh xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đầu tư của doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân; phù hợp với Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Mục tiêu của tỉnh là phát triển du lịch để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Hình thành một số khu du lịch dịch vụ tổng hợp, có quy mô lớn. Sản phẩm du lịch đa dạng có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến hấp dẫn trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc,Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2025, Hà Giang sẽ thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bản; tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp.
Hướng đến mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đàng viên và các tầng lớp nhân dẫn nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đem lại hiệu quả nhiều mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng ứng xử văn minh, thân thiện, bảo vệ hình ảnh, môi trường, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang.
Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, có tính cạnh tranh cao. Tỉnh cũng sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch.
Thanh Hải