Có gì liên quan giữa hàng xà cừ cổ thụ trên đường Láng và tầng trệt chứa đầy khung tranh nhập từ Trung Quốc ở 65 Nguyễn Thái Học?

Có lần tranh luận với một bạn trẻ về hàng xà cừ trên đường Láng, tôi bảo, Hà Nội chật lắm, và Hà Nội cần phát triển, những hàng cây này rồi cũng phải nhường đất cho đô thị, giống như những ruộng húng Láng phía bên kia...

Bạn ấy không đồng ý. Nhưng cũng không cố gắng kéo dài cuộc tranh luận mà lẽ ra, tôi phải là người ở phía bên giữ gìn những gì xưa cũ của thành phố này và bạn trẻ, phải là người bảo vệ nhiệt thành cho một không gian đậm đặc hơn của đường xá và cao ốc.

Hôm nay, mà chẳng phải vậy, ngay lúc đó, tôi biết mình đã sai, nhưng hôm nay, khi ngọn lửa bùng lên từ khu vực chứa khung tranh của hộ kinh doanh tầng 1 Nguyễn Thái Học, thì chính xác tôi đã thua trắng bụng.

Có gì liên quan giữa hàng xà cừ cổ thụ trên đường Láng và tầng trệt chứa đầy khung tranh nhập từ Trung Quốc ở 65 Nguyễn Thái Học? Đó là sự tiếc nuối cho những khung cảnh xưa vốn cũ của Thành phố này đang dần dần tàn lụi trước sự xâm thực của phát triển và sinh kế.

{keywords}
Ảnh: VnExpress

Những người yêu Hà Nội, một Hà Nội văn hiến, đều biết đến Ngôi biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học, nơi sinh sống của những Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Đỗ Nhuận... và những nghệ sĩ thế hệ thứ hai như Đỗ Hồng Quân, Chiều Xuân. Những căn gác nhỏ cứ nhỏ dần theo năm tháng bởi nghệ sĩ thì mãi nghèo mà con cái, cháu chắt của nghệ sĩ thì tiếp tục sinh sôi.

Thực là một sự hài hước, nhờ hồn cốt của một thế hệ cầm cọ mà tầng 1 của 65 Nguyễn Thái Học được nhiều người biết đến, và giá trị thương mại của cái tổ ấm nghệ sĩ này được khéo léo khai thác thành nơi buôn bán tranh chép, tranh chợ và khung tranh các loại. Những không gian sinh sống của nghệ sĩ "xịn" thì thu hẹp theo năm tháng, tỷ lệ nghịch với sự phình ra của thị trường a dua nghệ thuật. Nhiều người giàu nhanh, nhanh đến mức không còn thời gian trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghệ thuật, và để cho kịp với đồng bạn, họ vội vàng giao phó thẩm mỹ của mình cho những thợ vườn. Nghệ thuật chợ và nghệ thuật giả phát triển đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội, xung lực kinh tế mà nó tạo ra đủ mạnh để đẩy lùi mọi giá trị chân chính vào những căn gác xép. Điều này thật rõ khi so sánh không gian sống và không gian kinh doanh của những cư dân 65 Nguyễn Thái Học.

Để rồi 11 giờ trưa 23 tháng 10... ngọn lửa của sự bất cẩn đã bùng lên từ đống khung tranh hàng chợ. Đám cháy bốc lên trong sự hoảng sợ của những cư dân... những người đã nhiều lần chờ đợi một sự đoái thương của cơ quan hữu trách đối với không gian sống nhỏ bé của mình.

Không chỉ là một ngôi biệt thự cổ. Những giá trị văn hóa mà không gian này rõ ràng xứng đáng để Hà Nội văn hiến ngàn năm bỏ ra một số tiền, chắc là nhỏ hơn nhiều so với tiền tiết kiệm được từ việc cắt cỏ, thay cây, làm sạch nước hồ Hố Mẻ để gìn giữ lại một địa chỉ văn hiến của một thời lừng lẫy.

Có một nhà văn, nếu tôi nhớ không lầm, trong một tiểu luận không tiện nêu tên, đã từng viết đại ý, khi bạn đi qua một con phố, nghe thấy tiếng dương cầm vọng ra từ cửa sổ của một ngôi biệt thự, bạn sẽ thấy thành phố đó, đất nước đó thật thanh bình.

Tiếc là những tiếng dương cầm, vốn đã rất hiếm hoi, ngày lại càng vắng vẻ trên phố phường Hà Nội.

Vụ cháy ở 65 Nguyễn Thái Học không chỉ khiến người ta cảm thấy thêm một lần lo lắng về sự an toàn của cư dân Hà Nội, mà nó còn lộ ra một sự xót xa khi chúng ta đang ứng xử thiếu văn minh với quá khứ của chính mình.

Tôi mừng, vì tôi đã thua bạn trẻ mà mình tranh luận.

Bởi vì tôi tin, nếu mình không làm được gì, thì bạn trẻ đó, và thế hệ của em sẽ có cách ứng xử công tâm hơn đối với những giá trị văn hóa của Thành phố này.

Lan Hương