Hà Nội triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking). Ảnh: Infonet |
Trong thời gian qua Hà Nội đã ứng dụng thành tựu của CNTT để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị.
Đối với hệ thống giao thông thông minh, thành phố lên kế hoạch dự xây dựng với 8 chức năng: Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng; Hệ thống quản lý về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (quản lý phương tiện vận tải hành khách công cộng: Xe buýt, taxi, xe hợp đồng Uber, Grab;...); Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông thông minh bằng đèn tín hiệu, điều khiển thích ứng theo tình trạng giao thông...
hiện nay thành phố đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Sau thời gian thí điểm, mô hình này được nhân rộng ra 9 tuyến phố thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng.
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, thành phố đã có những nghiên cứu để áp dụng các công nghệ thích hợp xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, ô nhiễm sông, hồ, nước thải công nghiệp, làng nghề và bệnh viện. Các giải pháp giúp kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đến nay, mạng diện rộng thành phố đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; 100% sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện có máy chủ quản trị mạng.
100% sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có mạng LAN, Internet kết nối tới mọi phòng, ban và đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% cán bộ công chức để trao đổi công việc…
Việc giải quyết hồ sơ hành chính nhiều lĩnh vực như xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh luôn được quan tâm cải tiến…
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc của cơ quan, kết quả nổi bật nhất của thành phố trong ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới tận cấp xã để đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Nếu năm 2007, toàn thành phố mới có 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thì nay đã có 337 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 169 dịch vụ mức 4.
Hiện Hà Nội đã trở thành điểm sáng của cả nước trong đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT.
Hàng năm, thành phố triển khai các kế hoạch ứng dụng CNTT đúng lộ trình, chuẩn hóa, với nhiều chỉ tiêu cao hơn Chính phủ giao; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ với những chỉ tiêu chưa đạt.
Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, nền tảng chính quyền điện tử tại thành phố đã cơ bản hình thành và làm cơ sở xây dựng thành phố thông minh.
Cũng đáng chú ý, ngay từ quý I/2018, thành phố Hà Nội dự kiến khởi công dự án Thành phố thông minh do liên danh Sumimoto-BRG đầu tư ở huyện Đông Anh. Đây là dự án cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân-Nội Bài giữa UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với tổng số vốn lên tới 4 tỷ USD.
Thỏa thuận nhằm mục tiêu xây dựng một Thành phố Thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía Bắc Hà Nội (nằm trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.
Cũng để chuẩn bị các điều kiện cho thành phố thông minh, Hà Nội xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành tập trung, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Thành phố thông minh. Trung tâm được hình thành với 6 chức năng chính: Trung tâm giám sát, điều hành giao thông và an ninh công cộng; Trung tâm điều hành thông tin ứng cứu khẩn cấp; Trung tâm giám sát, bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ kỹ thuật; Trung tâm tổng hợp, phân tích dữ liệu; Trung tâm thông tin hỗ trợ công dân và dịch vụ công ích; Trung tâm thông tin báo chí và truyền thông.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đang đẩy mạnh xây dựng, tiếp tục hình thành các hệ thống thông minh trong hàng loạt lĩnh vực như y tế, giáo dục, năng lượng, môi trường... để nâng cao chất lượng đời sống người dân cũng như năng lực quản lý của chính quyền.