Theo ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong tháng 6/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.587 xe, giảm 8% so với tháng 5 và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các hãng xe đã bán ra 15.802 xe du lịch (giảm 10% so với tháng trước đó); 7.131 xe thương mại (giảm 5%) và 654 xe chuyên dụng (giảm 25%).

Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 13.365 xe, giảm 3% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.222 xe, giảm 13%.Tính luỹ kế, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường từ đầu năm đến hết tháng 6/2021 là 150.481 xe, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái. 

Với đà này, ước tính sản lượng ô tô cả năm nay sẽ khoảng hơn 300.000 xe. Đây là con số cực kỳ khiêm tôn so với các nước trong ASEAN.

Trong ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ôtô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Trong 5 quốc gia này, Thái Lan có sản lượng ôtô lớn nhất, trung bình đạt trên 2 triệu xe/năm. Khoảng cách giữa sản xuất và doanh số bán hàng trong nước của Thái Lan cho thấy nước này đã xuất khẩu xe nguyên chiếc với số lượng khá lớn, chiếm đến 50% sản lượng.

Thị trường Malaysia đã đạt mức bão hoà nên trong hơn 10 năm qua quy mô thị trường luôn duy trì ở mức trên 500 ngàn xe/năm. Từ 2009 đến nay, thị trường Indonesia tăng trưởng đều đặn, quy mô thị trường đạt ngưỡng 1 triệu xe/năm vào năm 2012 và từ đó đến nay vẫn duy trì ở ngưỡng đó.

{keywords}
Sản xuất ô tô tại Thaco (ảnh: Băng Dương)

Như vậy, quy mô thị trường ôtô Việt Nam mới chỉ bằng 1/6 của Thái Lan và 1/3 của Indonesia và hơn 1 nửa so với Malaysia. 

Hiện nay, Việt Nam đã có 3 tập đoàn lớn là Thaco, Huyndai Thành Công và VinFast. Trong đó, Thaco đã đầu tư 20 nhà máy sản xuất cụm chi tiết, Huyndai Thành Công cũng đang mở rộng nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ thứ 2, VinFast đã dành 70 hecta đất để đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ở Hải Phòng và sắp tới dự kiến sẽ mở rộng thêm nhà máy ở Hà Tĩnh.

Nhìn lại 20 năm trước, công nghiệp ô tô và hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho ô tô của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều, nhưng so với tương quan trong khu vực và so với yêu cầu, năng lực trình độ vẫn còn yếu. 

Những hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân lớn là điều kiện khách quan và "đặc điểm riêng" của ngành ô tô Việt. 

Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.

Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ôtô của nền kinh tế chưa lớn.

“Có thể nói, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu đang là hai điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, Cục Công nghiệp nhận định.

{keywords}
Ô tô sản xuất trong nước có giá thành cao hơn khu vực ASEAN (ảnh: Băng Dương)

Bên cạnh điểm nghẽn về thị trường, theo Cục này, hiện nay chi phí sản xuất ôtô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20%, khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Nguyên nhân bởi dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ôtô đi trước rất lâu.

Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài – phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua , việc phát triển của ngành ô tô thông qua những đề án sản xuất lắp ráp tại Việt Nam vẫn có một mức độ thành công. Tuy nhiên việc nội địa hóa và những đề án sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đạt được sự mong đợi thì chúng tôi cho rằng Chính phủ cần mở rộng hơn nữa những hoạt động để kêu gọi sự đầu tư của nước ngoài. Đồng thời, đưa ưu đãi đầu tư trong nước vào lĩnh vực nghiệp hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn để làm sao có thể cạnh tranh được. Khi đó, Việt Nam mới hi vọng trở thành một cái nôi cho ngành công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh được với các nước trong khu vực Đông Nam Á.”

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, cơ bản phải hình thành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Từ nay đến năm 2025, phải sản xuất một số chi tiết quan trọng như là động cơ, hộp số xe tải, xe khách và bước đầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô toàn thế giới.

Đến năm 2035, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng trong nhiều loại linh kiện, phụ tùng trong ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế thới, đáp ứng trên 60% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Thu Ngân