Trao đổi tại tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát”, do báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 22/5 tạ Hà Nội, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Pavana cho hay, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, trong năm 2023, quy mô thị trường camera Việt Nam đạt khoảng 175 triệu USD doanh thu.

Trong đó, hai thương hiệu lớn nhất của Trung Quốc là Dahua, HikVision cùng các công ty con chiếm xấp xỉ 90% thị phần tại Việt Nam, số còn lại về các hãng khác, chủ yếu là những tên tuổi nhỏ của Trung Quốc được bán trên sàn thương mại điện tử.

W-VietNamNet Toạ đàm Tiêu chuẩn an toàn TT mạng cơ bản cho camera giám sát (13).jpg
CEO Pavana Nguyễn Trung Kiên nhận định, tiềm năng phát triển của thị trường camera giám sát tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Ông Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, trong bức tranh thị trường camera tại Việt Nam, thị phần camera gia đình chiếm đến 48% về doanh thu và khoảng 60% về số lượng sản phẩm lưu hành. Đại đa số camera được các hộ gia đình sử dụng hiện nay là những thiết bị giá rẻ từ 200.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng, được bán trôi nổi, trực tuyến.

“Thị trường camera tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, với tốc độ khoảng từ 13-14%, trong đó camera gia đình tăng trưởng cao hơn, ở mức 17%. Đây là hiện trạng thị trường trong vài năm gần đây”, ông Nguyễn Trung Kiên cho hay.

Dẫn thống kê của Statista cho thấy, thị trường camera giám sát toàn cầu chủ yếu dành cho doanh nghiệp và Chính phủ với hơn 70%, camera phục vụ gia đình chỉ chiếm khoảng 15%., ông Nguyễn Trung Kiên nhận định: thị trường Việt Nam đang ngược với xu hướng thế giới, khi có tới gần 50% thiết bị camera được sử dụng cho mục đích giám sát của các hộ gia đình.

Từ thực tế trên, theo đại diện Pavana, thị trường thiết bị camera giám sát dành cho hạ tầng, doanh nghiệp và tổ chức Chính phủ tại Việt Nam còn tương đối “sơ khai”, vẫn còn nhiều dư địa phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên tại tọa đàm, CEO Pavana Nguyễn Trung Kiên một lần nữa nhấn mạnh tiềm năng phát triển của thị trường camera giám sát tại Việt vẫn còn rất lớn: “Tổng dung lượng có thể đạt được là từ 100 - 150 triệu camera/năm, trong khi hiện Việt Nam mới đang có khoảng 10-15 triệu camera”.

Đại diện Pavana cũng khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện nay, năng lực của các nhà máy ước tính sản xuất được khoảng từ 2-2,5 triệu camera/năm, việc nâng gấp đôi, gấp ba công suất không phải vấn đề.

nguy co lo lot du lieu tu smartphone va camera giam sat 1.jpg
Các doanh nghiệp Việt tham gia sản xuất camera đều đánh giá cao việc Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp cũng đang tham gia sản xuất camera, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Lumi Việt Nam cho hay, trong 12 năm tham gia thị trường, Lumi đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh của thị trường camera giám sát. Thực tế, không chỉ trong gia đình mà cả với các cơ quan và tổ chức, người dùng đều sẽ chọn camera đầu tiên khi nghĩ đến smarthome.

Nêu vấn đề cần giành lại thị trường camera từ các hãng sản xuất nước ngoài, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần thúc đẩy để các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh, tìm cách tạo ra các camera mà người dùng tin tưởng, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng, từ đó tạo ra một thị trường lớn hơn.

Đại diện MK Vision, bà Vũ Nguyệt Lan, Giám đốc công nghệ của công ty này nêu quan điểm: “Không có lý do gì để nghi ngờ năng lực của các doanh nghiệp trong nước, bởi lẽ tiềm lực của Việt Nam rất lớn, người Việt Nam thông minh và chăm chỉ, có sự thống nhất ở nội bộ”.

Cũng theo bà Vũ Nguyệt Lan, hiện nay, với việc đã có bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát, các doanh nghiệp trong nước có thể “đi cùng nhau” trong việc phát triển camera. Khi đã có hệ thống camera theo tiêu chí của Việt Nam, cơ sở dữ liệu ở Việt Nam và đội ngũ kỹ sư Việt Nam, việc tích hợp các hệ thống với nhau sẽ dễ dàng.

“Khi nói cùng một ngôn ngữ, việc hỗ trợ sẽ đơn giản hơn, việc áp dụng camera vào nhà thông minh, thành phố thông minh là tương lai gần, có thể nhìn thấy lộ trình, không còn mông lung mỗi bên đi một hướng. Bộ tiêu chí sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường”, bà Vũ Nguyệt Lan nhận xét.

Ngày 7/5, Bộ TT&TT ban hành "Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát" và khuyến nghị áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera. Dự kiến, trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát". Sau khi có quy chuẩn, Bộ sẽ hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn tiến hành đánh giá và công bố hợp quy cho các thiết bị theo quy định