Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng. Bộ trưởng KH&ĐT làm Phó Chủ tịch Thường trực. Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng TN&MT; Bộ trưởng NN&PTNT; Bộ trưởng GTVT.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). 

Các ủy viên: Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, KH&CN, TT&TT, Y tế, GD&ĐT, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch các tỉnh, thành: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng KH&ĐT làm Phó Chủ tịch Thường trực. Các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng TN&MT; Bộ trưởng NN&PTNT; Bộ trưởng GTVT; Bộ trưởng LĐTB&XH.

Một bản du lịch ở Điện Biên. 

Các ủy viên gồm: Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, KH&CN, TT&TT, Y tế, GD&ĐT, VHTT&DL, Quốc phòng, Công an, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ điều phối hoạt động trong lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia trong phạm vi liên quan, quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc, quy hoạch tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Điều phối hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, đề xuất việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố nằm ngoài thẩm quyền của từng địa phương trong vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay cũng có ý kiến chỉ đạo để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả liên kết, kết nối vùng; đồng thời các tỉnh, thành vẫn phải tự lực, tự cường phát triển bằng nội lực, không trông chờ ỷ lại vào Trung ương. Các Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương và tạo ra sức mạnh tổng hợp của vùng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các Bộ, cơ quan, địa phương là thành viên Hội đồng điều phối vùng hoàn thành ngay công tác tổ chức theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, "nói đi đôi với làm", không hình thức, không thành lập tổ chức hành chính mới mà sử dụng các cơ quan chuyên môn hiện có theo hình thức kiêm nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu đầu quý IV năm 2023 các Hội đồng điều phối vùng tổ chức họp cho ý kiến về các quy hoạch vùng.

Tuấn Anh và nhóm PV, BTV