Hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo cạn nhanh

Sau gần 20 ngày bị tạm dừng xuất khẩu (từ 0h ngày 24/3), những lô hàng xuất khẩu gạo đầu tiên đã được đăng ký tờ khai hải quan vào 24h ngày 11/4. Hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu theo quyết định của Bộ Công Thương chỉ là 400 nghìn tấn.

Số liệu Tổng cục Hải quan ghi nhận, trong thời gian từ 24h ngày 11/4 đến 19h34 ngày 12/4, đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan với lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu là 399.999,73 tấn. Có nghĩa, hạn ngạch xuất khẩu gạo của tháng 4/2020 gần như đã “cạn” rất nhanh.

{keywords}
Hạn ngạch xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo cạn chỉ sau vài tiếng.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ “ấm ức” khi Tổng cục Hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm không thông báo trước, nhưng Tổng cục Hải quan đã khẳng định “không có sự can thiệp của công chức hải quan” vào hệ thống.

Hệ thống này lâu nay vẫn hoạt động 24/7. Kể từ 24h ngày 11/4/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống. Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp “chậm chân” không thể kịp đăng ký.

Điều ấy cho thấy, chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo đột ngột để chuyển sang chính sách cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Chuyện “đường thông hè thoáng” khi xuất khẩu gạo đã bị thay thế bằng những chính sách xuất khẩu gạo dấy lên nhiều hoài nghi.

Chia sẻ với việc nhiều doanh nghiệp của tỉnh không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo, ngày 13/4, Sở Công Thương Long An đã phải gửi văn bản “động viên” các doanh nghiệp. Sở này cho biết đã phản ánh khó khăn này về Bộ Công Thương để kịp thời nắm bắt, trao đổi với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) nhằm đề xuất giải pháp tốt hơn trong triển khai xuất khẩu gạo, nhất là trong tháng 5/2020 khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 25/4, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5. Đồng thời xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu gạo trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, kể cả đến hết năm 2020.

Do đó, Bộ Công Thương cần phải có tính toán kỹ lưỡng hơn để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa không khiến doanh nghiệp bị dồn vào thế khó. Bởi, trong văn bản gửi Bộ Công Thương ngày 10/4, Bộ Tài chính đã có ý kiến về việc điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính phản ánh rằng: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính. Nhưng thực tế Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp ½ ngày. Điều đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, là “thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

{keywords}
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo.

Nên tiếp tục xuất khẩu gạo

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến về kinh tế Việt Nam ngày 13/4, TS Nguyễn Đức Thành, Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam Việt Nam bình luận: Hiện nay nhu cầu thị trường thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm, kể cả nông sản. Nhưng riêng gạo là nhu cầu trên thế giới tăng lên. Đó là cửa, đường ra rất tốt cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nói riêng cũng như xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, chúng ta lo ngại ảnh hưởng an ninh lương thực trong nước nên đã lặp lại câu chuyện của năm 2008. Khi đó, cả thế giới nhu cầu gạo tăng, giá tăng, còn trong nước lo thiếu gạo nên vội vã đóng cửa để giữ gạo trong nước, làm mất cơ hội xuất khẩu gạo.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, lo nghĩ cho an ninh lương thực, lo không đủ gạo, giá cả tăng, ảnh hưởng đến người dân luôn là đúng. Nhưng việc thực hiện chính sách nào đó phải dựa trên các con số cụ thể. Nếu con số không phản ánh đúng thì nguyên tắc đó không đúng nữa.

Khẳng định lượng gạo trong nước không thiếu, ngay cả khi người dân tích trữ thêm thì vẫn dư thừa nhiều, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng việc tạm ngừng xuất khẩu gạo, rồi cho xuất khẩu trở lại 400 nghìn tấn trong tháng 4/2020, khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp là “chính sách rất bất nhất, đẩy ta vào khó khăn, tự tạo khó khăn cho doanh nghiệp”.

Thừa nhận rằng trong bối cảnh này, gạo là một vấn đề kinh tế và xã hội nên ông Thành khuyến nghị sử dụng thuế xuất khẩu gạo, thay cho việc cấp hạn ngạch (quota) như hiện nay. “Không nên cấm xuất khẩu gạo”, ông Thành nhấn mạnh.

“Nếu thực hiện thuế xuất khẩu gạo thì Nhà nước có sự can thiệp vào hoạt động này. Nếu thuế xuất khẩu là 20%, hay 15% tùy tình hình, ít nhất chúng ta tạo ra một đệm để làm giá trong nước thấp hơn giá thế giới, giải quyết vấn đề Chính phủ lo lắng là giá gạo trong nước tăng lên cao. Chẳng hạn, thế giới mua gạo với giá 1.000 USD/tấn thì người dân Việt Nam sẽ chỉ phải trả phần giá gạo bằng giá gạo thế giới trừ đi thuế xuất khẩu. Chính phủ có thể thu được tiền thuế để sử dụng cho mục đích ứng phó với diễn biến bất thường hiện nay”, TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, việc áp dụng thuế xuất khẩu đó cũng sẽ khiến doanh nghiệp có quyền được lựa chọn xuất hay không. Họ phải tính toán kỹ để có lợi nhuận, không xuất khẩu bằng mọi giá.

Lương Bằng

Hạn ngạch xuất khẩu gạo: Hải quan cam kết không có sự can thiệp

Hạn ngạch xuất khẩu gạo: Hải quan cam kết không có sự can thiệp

 Tổng cục Hải quan cho biết tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, "không có sự can thiệp của công chức hải quan".