Hiện công ty này đã đạt năng lực sản xuất chip trên quy trình 7nm, sánh ngang với Intel và một số công ty bán dẫn khác. Song, SMIC nằm trong danh sách đen của Mỹ từ năm 2020 và tiếp tục bị hạn chế bởi các lệnh kiểm soát xuất khẩu bán dẫn sâu rộng hơn từ Washington kể từ năm ngoái đến nay.

“SMIC đơn giản là không thể đạt lợi nhuận thương mại khi sản xuất chip với thiết bị kém tiên tiến”, Phelix Lee, nhà phân tích tại Morningstar Asia cho biết.

Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chip War” (Cuộc chiến vi xử lý) nhận định, SMIC không thể sản xuất khả thi về mặt thương mại với quy mô hàng trăm ngàn đến hàng chục triệu thành phẩm, nếu không có các máy móc chế tạo bán dẫn tiên tiến nhất.

Không những vậy, sau thoả thuận giữa bộ ba bán dẫn gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan, ASML - nhà sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) duy nhất trên thế giới buộc phải xin giấy phép xuất khẩu đối với cỗ máy phức tạp của mình, dù trước đó họ chưa từng bán công cụ hiện đại nhất cho khách hàng tại đại lục.

Tụt hậu

Ngay cả những công ty sản xuất chip bán dẫn tiên tiến nhất thế giới như TSMC và Samsung đều đang phụ thuộc nguồn cung ứng máy móc từ một số nhỏ các công ty nằm chủ yếu tại Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan.

“Nanomet” trên chip chỉ kích cỡ của bóng bán dẫn. Kích cỡ càng nhỏ thì càng nhiều bóng bán dẫn trên một con chip. Bởi vậy, số nanomet nhỏ hơn thường mang lại hiệu suất và sức mạnh hơn cho vi xử lý.

TSMC và Samsung đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 7nm từ năm 2018. Cả hai công ty có lộ trình ra mắt chip trên quy trình 2nm vào năm 2025. Gã khổng lồ Hàn Quốc cho biết, sẽ bắt đầu chế tạo vi xử lý 1,4 nm từ năm 2027. Cho đến năm ngoái, hai cái tên đứng đầu ngành công nghiệp đã sản xuất quy mô lớn chip 3nm.

Với công nghệ 7nm, SMIC vẫn tụt hậu nhiều thế hệ so với TSMC và Samsung. Không có những cỗ máy đúc chip hiện đại nhất, khoảng cách này sẽ ngày càng được nới rộng.

“Đến nay tôi chưa thấy công ty nội địa nào có thể cung cấp loại máy móc thay thế cho SMIC”, Lee nhận xét, đồng thời nói rằng ngay cả khi những công ty nội địa cố gắng phát triển những công cụ tương tự, họ cũng đang tụt lại phía sau khá xa.

Chờ “giải cứu”

Thế nhưng, với vai trò mũi nhọn trong tham vọng chip của Trung Quốc, SMIC dự kiến sớm tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa từ chính phủ nước này.

“Tôi đang thấy nhiều nguồn lực đổ về cho SMIC, từ khoản vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu mới hoặc thành lập công ty con với sự hỗ trợ tài chính của nhà nước”, Lee cho hay.

Trong kế hoạch phát triển 5 năm, Trung Quốc nói rằng sẽ tăng chi tiêu dành cho nghiên cứu và phát triển hơn 7% mỗi năm cho giai đoạn 2021- 2025 nhằm tạo ra “đột phá quan trọng” trong lĩnh vực công nghệ và sức mạnh tự chủ.

Những gã khổng lồ công nghệ đại lục như Alibaba và Baidu được “bật đèn xanh” tự thiết kế chip riêng, động thái cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh năng lực công nghệ vi xử lý nội địa.

“Chính phủ Trung Quốc cho thấy, họ muốn thu hẹp khoảng cách với top đầu nhiều nhất có thể khi không ngần ngại rót vốn cho ngành công nghiệp này”, Miller nói. “SMIC sẽ hưởng lợi từ sự hỗ trợ mới, lớn hơn của chính phủ, những người không muốn thấy thất bại và nếu có thể, họ muốn tiếp tục đạt được tiến bộ về công nghệ”.

(Theo CNBC)