Hơn 5 tháng kể từ khi Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải về bồi thường cho hành khách bị chậm, hủy chuyến có hiệu lực, Vietnam Airlines đã trả cho hành khách 6,2 tỉ đồng, Vietjet trả 3,8 tỉ đồng.

Cách bồi thường còn thủ công

Bà Nguyễn Thị Mai (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) cho biết cách đây hơn 1 tháng, bà đặt vé từ TP HCM đi Đắk Lắk. Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 7 giờ nhưng sau đó hãng hàng không liên tục thông báo dời lịch bay và đến khoảng 14 giờ mới cất cánh. Sau đó, mỗi hành khách được bồi thường 200.000 đồng và một bữa ăn.

“Không ai muốn chậm chuyến và càng không thể tính bằng tiền. Như trường hợp của tôi, về quê thăm mẹ chỉ được 2 ngày mà đã mất gần 1 ngày chờ chuyến bay. Cách bồi hoàn tiền cho hành khách cũng rất thủ công khi yêu cầu từng người phải điền vào bản cam kết rồi mới được xếp hàng, chờ nhận tiền” - bà Mai nói.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tỉ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng trong thời gian gần đây là từ 15-20%. Ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), cho rằng có đến 90% các chuyến bay bị chậm, hủy do máy bay về muộn, khoảng 5% là lỗi kỹ thuật. Lỗi từ phía đơn vị khai thác sân bay, nhà ga rất thấp, từ 2-3%, nhưng cũng có một số lý do oái ăm như phải chờ, tìm hành khách.

{keywords}

Hủy hoặc chậm chuyến bay hơn 4 giờ, hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách

Theo tổng giám đốc một hãng hàng không giá rẻ, việc chậm, hủy chuyến là ngoài ý muốn và hãng phải tốn rất nhiều chi phí để thuê máy bay, phi công, tiếp viên trong trường hợp này. Với những chuyến bay trễ hơn 4 giờ, các hãng phải bồi thường từ 200.000 - 400.000 đồng tùy theo chặng bay và cung cấp bữa ăn, nước uống miễn phí.

Theo Thông tư 14, mức bồi thường chậm, hủy chuyến cho mỗi hành khách với chuyến bay nội địa dưới 500 km là 200.000 đồng, từ 500-1.000 km là 300.000 đồng và trên 1.000 km là 400.000 đồng. Trên các chuyến bay quốc tế, mức bồi thường cho chặng bay dưới 1.000 km là 25 USD, từ 1.000-2.500 km là 50 USD và cao nhất là chặng bay từ 5.000km trở lên 150 USD/hành khách.

Nỗ lực khắc phục

Tổng giám đốc của một hãng hàng không giá rẻ cho biết tỉ lệ các chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam hơn 80% là mức khá cao so với các nước trong khu vực. Thực tế, hàng loạt giải pháp đã được ngành hàng không triển khai, từ đóng quầy sớm 40 phút so với giờ khởi hành, tăng thời gian quay đầu máy bay lên 5-10 phút ở sân bay… nhưng trong dịp cao điểm lễ, Tết sắp tới, nguy cơ chậm hủy chuyến là khó tránh khỏi.

“Hàng loạt đường bay mới được mở, máy bay nhập về nhiều hơn trong khi hạ tầng một số sân bay quá tải hoặc chưa đáp ứng được thì rất khó bay đúng giờ. Hãng đang lên phương án bay đêm nhiều hơn, tránh bay tập trung vào giờ cao điểm. Như đường bay TP HCM - Hà Nội, giờ bay chính thức chỉ 1 giờ 40 phút - 1 giờ 45 phút nhưng các hãng đều tính lịch bay thêm 20 phút. Dù vậy, phụ thuộc vào tình hình thực tế, xác suất máy bay về muộn vẫn khó tránh” - vị tổng giám đốc này dẫn chứng.

Đại diện Vietjet cũng cho biết đang tích cực áp dụng các giải pháp để nâng cao tỉ lệ chuyến bay đúng giờ, như cải tiến công tác điều hành lịch bay, bảo đảm kỹ thuật máy bay. Liên quan đến hạ tầng tại sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp cao điểm cuối năm, phía Vietjet đã làm việc với công ty phục vụ mặt đất và sân bay để đưa ra giải pháp phục vụ tốt hơn. “Dù vậy, chúng tôi kiến nghị giảm mức bồi thường do chậm, hủy chuyến để bảo đảm cân đối lợi ích giữa hành khách và hãng hàng không” - đại diện Vietjet đề nghị.

Còn đại diện Vietnam Airlines xác nhận hãng đang rà soát, xây dựng quy trình điều phối linh hoạt cơ sở hạ tầng và trang thiết bị giữa các hãng như quầy, cửa lên máy bay, trang thiết bị phục vụ mặt đất trong trường hợp chuyến bay bất thường. Hãng cũng chủ động ứng dụng các sản phẩm công nghệ thông tin mới như làm thủ tục qua điện thoại, internet, tại quầy tự động để giảm tải cho các khu vực ở sân bay, giảm thời gian khách chờ đợi… Đây là giải pháp cốt lõi ngắn hạn trong thời gian nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các sân bay.

Lên lịch bay phù hợp

Theo ông Phạm Vũ Cường, sân bay Tân Sơn Nhất đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng chất lượng dịch vụ, giảm tỉ lệ chậm hủy chuyến thấp nhất do hạ tầng nhà ga, như bố trí quầy kệ linh hoạt, tăng các cửa an ninh, xây dựng thêm bãi đậu, đường lăn… Lãnh đạo sân bay đã mời các đơn vị khai thác tại nhà ga sân bay, hãng hàng không triển khai phương án phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán, yêu cầu các hãng lên lịch bay phù hợp với tình hình thực tế năng lực của sân bay. “Lo nhất không hẳn là do chậm, hủy chuyến mà là kẹt xe đường vào sân bay. Hiện đoạn đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng có thể kẹt bất cứ lúc nào” - ông Cường nói.

(Theo NLĐ)