Lời tòa soạn

Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào. 

VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế này trên nhiều địa phương.

Không thể nghiệm thu vì vướng kiểm định sơn chống cháy

Năm 2022, Công ty TNHH FC Việt Nam (Nhật Bản) xây dựng thêm kho chứa hàng (3 tầng) và văn phòng. Theo thông tin từ doanh nghiệp, phần thiết kế phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt, thi công xong và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị như yêu cầu.

Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ để nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy thì đơn vị không được chấp thuận do vướng thủ tục, cụ thể, không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép ở khu vực kho tầng 3. Trong khi đó, việc kiểm định này do cơ quan nhà nước thực hiện. 

Chỉ vì vướng kiểm định hạng mục trên mà các khu vực còn lại của kho chứa hàng và văn phòng xây mới của công ty đều không được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Đại diện Công ty FC Việt Nam mong muốn cơ quan chức năng cấp phép nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp, theo hướng: Nghiệm thu ở những hạng mục khác trước (trừ khu vực tầng 3 có kèo thép sơn chống cháy) để công ty có thể sử dụng, đưa vào hoạt động các khu vực được cấp phép. Khi có hướng dẫn rõ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy, công ty sẽ thực hiện bổ sung hồ sơ nghiệm thu cho khu vực tầng 3 nhà kho sau.

Vì cơ quan chức năng không kiểm định được sơn chống cháy, doanh nghiệp cũng không thể nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy toàn bộ các hạng mục mới xây dựng.

Đây chỉ một trong những bất cập mà nhiều doanh nghiệp chỉ ra liên quan đến các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh quy định về phòng cháy, chữa cháy gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Một ví dụ khác là trường hợp của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc). Doanh nghiệp khẳng định, thủ tục xin thẩm duyệt giấy phép phòng cháy, chữa cháy khó khăn và mất rất nhiều thời gian kể từ cuối năm 2022.

Trước đây, việc thẩm duyệt giấy phép phòng cháy, chữa cháy do địa phương thực hiện, nhưng từ cuối năm ngoái, quy trình này đã chuyển ra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), Bộ Công an. Do thời gian thẩm duyệt chưa xác định, gây nhiều khó khăn đối với thủ tục tiếp theo cho doanh nghiệp mở rộng dự án sản xuất. 

Còn Công ty TNHH Samtec Việt Nam (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết, công ty tiến hành cải tạo công năng của nhà kho và sàn lửng, nên đang chờ cơ quan chức năng thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Từ tháng 10/2022 cho tới nay, phía doanh nghiệp làm việc với cơ quan phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa rõ ràng trong việc áp dụng các quy chuẩn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư của tập đoàn mẹ vào Việt Nam.

Tương tự, Chi hội Thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Đồng Nai thông tin, các doanh nghiệp nộp hồ sơ thiết kết cho cơ quan phòng cháy, chữa cháy (Công an tỉnh Đồng Nai) đã hơn 7 tháng nhưng không được phê duyệt. Đáng chú ý, cơ quan chức năng cũng không có văn bản phản hồi cho giới doanh nghiệp biết rõ nguyên nhân tại sao không được chấp thuận. Một số thành viên thuộc Chi hội đều gặp phải vấn đề nêu trên.

Đại diện một công ty tại khu công nghiệp phía Bắc chia sẻ: Doanh nghiệp có nhu cầu cải tạo nhà xưởng để phục vụ mở rộng sản xuất song không thể thực hiện được thẩm duyệt cho cải tạo.

Một trong những lý do là vì quy định về hệ thống bể khói (phân chia, cô lập khói thành các vùng khói) kiểu “một mình một chợ”.

"Nếu doanh nghiệp đáp ứng về bể khói thì không thể trang bị các hệ thống khác như điều hòa thông gió, nước làm mát cho hệ thống chiller", đại diện công ty than thở.

Trong khi đó, quy định về kết cấu chịu lực phải có tính năng chống cháy trong một khoảng thời gian nhất định và loại vật liệu chống cháy phải được thẩm duyệt, cũng khiến cho doanh nghiệp phải chịu một lượng kinh phí khổng lồ để sơn kết cấu nhà xưởng bằng loại vật liệu sơn chống cháy.

Cụ thể đã có doanh nghiệp chi hết hơn 1 tỷ đồng chỉ để thí nghiệm đốt thử mẫu thẩm duyệt và giờ phải bỏ ra 24 tỷ đồng tiền sơn chống cháy cho diện tích nhà xưởng 24.000 m2. Trong khi đó, theo quy chuẩn (quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD) phải rà soát sơn lại 5 năm 1 lần, gây lãng phí vô cùng tốn kém cho doanh nghiệp.

Tháo gỡ cho các dự án chôn vốn nghìn tỷ

Tại văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai vào tháng 3 vừa qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh này cho biết, nội dung vướng mắc nhất trong nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy là kiểm định sơn chống cháy.

Điều này dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong nhưng đơn vị phụ trách phòng cháy, chữa cháy thuộc Công an tỉnh Đồng Nai chưa thể xem xét chấp thuận nghiệm thu, để từ đó, ban quản lý chấp thuận nghiệm thu xây dựng, làm cơ sở cho chủ đầu tư chính thức đưa công trình vào sử dụng, hoạt động sản xuất, thế chấp vay vốn ngân hàng.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an tỉnh Đồng Nai, cho hay, đơn vị tổ chức kiểm tra định kỳ 2 lần/năm. Mới đây, đơn vị cũng làm việc với C07 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian tới, cơ quan này sẽ mời các doanh nghiệp có vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, xem xét, tháo gỡ những bất cập, chưa phù hợp. 

Trước đó, tháng 11/2022, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) từng có văn bản gửi trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà sản xuất, nhà kho.

Theo JCCI, các doanh nghiệp hội viên có nhà máy và nhà kho được xây dựng mới hoặc mở rộng tại Việt Nam đang không thể đưa nhà máy, nhà kho vào hoạt động vì không xin được Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy của cơ quan chức năng.

Khảo sát cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2022, có ít nhất 18 dự án với tổng giá trị 3.097 tỷ đồng của các doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp xây dựng thì không thể bàn giao công trình đã hoàn thiện; các nhà máy, kho hàng của chủ đầu tư là doanh nghiệp sản xuất, vận tải của Nhật Bản cũng không thể đi vào hoạt động, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phải bỏ dở dự án 

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tại miền Bắc đang rất muốn thực hiện các dự án điện mặt trời trên mái nhà xưởng các khu công nghiệp. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt tiền điện và lấy chứng chỉ xanh để xuất khẩu tới các quốc gia có ưu đãi về thuế phát thải CO2. Thế nhưng, bắt tay vào làm, các nhà đầu tư này đều ngỡ ngàng khi “vấp” phải nhiều quy định phòng cháy chữa cháy.

Bởi lẽ, muốn lắp bổ sung tấm pin mặt trời trên mái, các nhà đầu tư phải thẩm duyệt lại không những đối với phần thiết bị năng lượng tái tạo lắp thêm mà còn phải rà soát lại toàn bộ hệ thống PCCC hiện hữu. Nhiều quy định mới được đánh giá là “không thể thực hiện được" nếu áp dụng theo quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng.

“Quy chuẩn quy định quá cao, nhưng hướng dẫn thực hiện quy chuẩn lại không rõ ràng”, một nhà đầu tư thở dài.

Đơn cử, quy định hệ thống pin mặt trời lắp bổ sung trên mái phải được tính toán trong điều kiện thường và điều kiện cháy, khiến cho doanh nghiệp không biết phải tính toán trong điều kiện cháy thế nào là đạt.

“Các nhà đầu tư đều có văn bản hỏi thế nào là điều kiện cháy thì cơ quan có thẩm quyền không trả lời được. Hiện tại gần như vô vọng có thể tìm được một đơn vị có thể chứng nhận được thế nào là an toàn trong điều kiện cháy. Nên chỉ có nước bỏ dở dự án hoặc chờ đến đến thời điểm có quy định mới”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Trần Chung - Hoàng Anh - Lương Bằng