Công an TP.HCM vừa tiếp nhận hàng trăm đơn của người dân tố cáo, khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng SCB bị biến thành mua bảo hiểm Manulife.
Nguồn thông tin từ Công an TP.HCM cho hay, trong những ngày qua đã tiếp nhận gần 150 đơn tố cáo với nội dung như trên và đang xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong ngày 20/4 có hơn 100 người đã đến Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01) – Công an TP.HCM để gửi đơn tố cáo. Trước đó, đơn vị này cũng tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo có nội dung tương tự.
Tất cả đơn tố cáo đều đề nghị điều tra, xử lý các cá nhân, tập thể Công ty TNHH Manulife Việt Nam (trụ sở tại toà nhà Menulife, đường Hoàng Văn Thái, phường Tân Phú, quận 7) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB). Người dân cho rằng, đã bị lừa đảo chiếm đoạt tiền khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng SCB nhưng bị hô biến thành mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife.
Chị T.N.U.P (33 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) khi gửi đơn tố cáo, cho biết, khoảng tháng 8/2020, chị đến ngân hàng SCB chi nhánh Bến Thành để đáo hạn và tiếp tục tiền gửi tiết kiệm. Nhân viên ngân hàng SCB có tư vấn cho chị gói tiết kiệm “Tâm an đầu tư” với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm.
Chị P. quả quyết, chỉ làm việc với nhân viên ngân hàng SCB và người này hoàn toàn không nói đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Và nhân viên SCB đưa cho chị ký vào các hồ sơ đã được điền sẵn thông tin. Vài ngày sau, chị P. được nhân viên SCB gọi lên lấy hợp đồng.
Theo hướng dẫn của nhân viên SCB, chị P. đã chuyển hơn 201 triệu đồng đang gửi tiết kiệm sang dạng sản phẩm “Tâm an đầu tư” của Manulife.
Khi chị P. phát hiện là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì phía nhân viên ngân hàng trấn an đây là sản phẩm hợp tác giữa SCB và Manulife.
Chị P. nói rằng: “Tôi hiểu rằng đây là gói sản phẩm gửi tiết kiệm đầu tư có kèm khuyến mãi quyền lợi bảo hiểm như lời nhân viên ngân hàng tư vấn, chứ ai ngờ… bị lừa thế này”.
Sau đó, từ hối thúc của nhân viên ngân hàng là tiếp tục đầu tư, chị P đã có 1 lần đóng tiền nữa. Tổng cộng 2 lần là 403 triệu đồng.
Theo chị P, nhân viên ngân hàng còn nói là từ năm thứ 3 chị P. có thể rút tiền ra và tất toán hết vào năm thứ 5.
Tuy nhiên, đến năm thứ 3, có nhân viên Công ty Manulife liên hệ với chị P để thông báo số tiền đóng bảo hiểm nhân thọ. Lúc truy hỏi, chị P. mới biết mình bị lừa tham gia bảo hiểm nhân thọ với khoản tiền đóng hơn 101 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, thông qua nhân viên Manulife, chị P. biết được, số tiền 403 triệu đồng chị đã đóng được chia 50% mang đi đóng bảo hiểm nhân thọ và nửa còn lại là uỷ thác đầu tư cổ phiếu; hoàn toàn không có chuyện từ năm thứ 2 trở đi được rút 70% số tiền đầu tư hoặc rút 100 triệu đồng từ năm thứ 3 trở đi cho đến năm thứ 5 thì tất toán.
Chị P. đã gửi khiếu nại đến ngân hàng SCB và Công ty Manulife nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đáng nói, trong thời gian chị khiếu nại khắp nơi vì cho rằng mình bị lừa thì vẫn nhận thư điện tử của Manulife thông báo “khấu trừ tự động từ giá trị tài khoản để đóng phí bảo hiểm”.
Gần đây khi biết nhiều người cũng bị “lừa” giống mình nên chị P. có liên hệ và họ tập hợp lại để bàn, cùng nhau tố cáo SCB và Manulife.
Rất nhiều người như chị P, khi gửi đơn tố cáo đều cho biết, chỉ làm việc với nhân viên ngân hàng SCB chứ chưa hề gặp gỡ bất kỳ nhân viên Công ty Manulife. Họ được tư vấn là gửi gói tiết kiệm “Tâm an đầu tư” với lãi suất cao, nhưng không ngờ mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife.
Một số người khi tố cáo còn đề cập rõ, họ yêu cầu ký vào các hợp đồng đã điền thông tin sẵn, sau này phát hiện có nhiều thông tin sai lệch và bị giả chữ ký.
Công an TP.HCM đã tiếp nhận các đơn tố cáo để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Khuyến khích người dân bị gian dối tố cáo đến cơ quan công an
Tại cuộc họp thường kỳ quý I/2023 của Bộ Tài chính vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đến nay, quá trình thanh tra đã cơ bản hoàn tất, đã phát hiện 1 số sai phạm nhất định, sẽ sớm hoàn thiện kết luận thanh tra, công bố những sai phạm để có phương án xử lý phù hợp.
Ông Tuấn còn cho hay, khuyến khích người dân bị ngân hàng, nhân viên gian dối khi bán bảo hiểm, gây thiệt hại, làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an để được tiếp nhận và xử lý.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm.
Cách đây vài ngày, Cục quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm. Cục quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương rà soát lại tổng thế các quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp, quy trình dịch vụ khách hàng… Đại diện đơn vị quản lý Nhà nước về ngành bảo hiểm đề nghị xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu tại tài liệu giới thiệu sản phẩm dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm không phù hợp với thực tế.
Trường hợp nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?Theo luật sư, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, trừ bảo hiểm nhóm.