5 năm qua, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Hậu Giang đã có quyết tâm chính trị cao. Địa phương đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt nhiều nội dung trong 03 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ đạt kết quả nổi bật; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết.
Khát vọng đưa Hậu Giang ngày càng phát triển
Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, phân tích những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua. Đó là còn hiện tượng một số tổ chức đoàn thể chậm đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; một số phong trào, cuộc vận động chưa thật sự thiết thực; công tác quản lý đoàn viên, hội viên chưa sâu sát.
Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp tại Hậu Giang đạt kết quả khả quan |
Bên cạnh đó, một số ít đồng chí trong cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, năng lực lãnh đạo, điều hành hạn chế, thiếu tính toàn diện, linh hoạt, sáng tạo, tầm nhìn dài hạn, biểu hiện thụ động, trông chờ, ỷ lại,...; chưa tích cực trong tham mưu, đóng góp cho sự phát triển chung của Tỉnh.
Thời gian qua, Tỉnh vẫn còn lúng túng trong xác định hướng phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Nguồn lực còn hạn hẹp, quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến (trụ cột tăng trưởng của tỉnh) phát triển chưa có nhiều đột phá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chưa nhiều, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực còn yếu.
Nhiều bài học đã được lãnh đạo tỉnh nghiêm túc nhìn nhận khi xây dựng kế hoạch chiến lược cho nhiệm kỳ tới. Nhấn mạnh Hậu Giang là địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quyết tâm cùng nhau xây dựng các chủ trương đúng đắn, giải pháp đột phá, phù hợp để phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, tiếp tục đưa Hậu Giang ngày càng phát triển.
Nằm ở tiểu vùng sông Hậu, Hậu Giang nằm trên các trục tuyến giao thông thủy bộ quan trọng của tiểu vùng Tây sông Hậu. Tỉnh có những điểm giao lưu kinh tế lớn với Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và TP. Cần Thơ - đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vị trí đắc địa trên tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp theo hướng hiện đại phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông sản, khu cảng vệ tinh và trung chuyển cho cảng Cái Cui, khu dân cư đô thị và khu thương mại tập trung tương ứng với nhịp độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của TP. Cần Thơ cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lợi thế của Hậu Giang còn ở sự đa dạng về tài nguyên đất nông nghiệp, có khả năng hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái…, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và tập trung, có khả năng thâm nhập thị trường xuất khẩu. Bên cạnh thế mạnh về phát triển nông nghiệp và thủy sản, Hậu Giang còn sở hữu tiềm năng về tài nguyên du lịch với đặc điểm tự nhiên đặc sắc, như khu sinh thái rừng, kênh rạch, miệt vườn, cây trái...; nhiều di tích lịch sử có ý nghĩa quốc gia và của vùng.
Hậu Giang: Mảnh đất “Đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”
Hướng tới tương lai, trước nhất, Tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong 5 năm tới, công nghiệp được xác định là ngành giữ vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế; do đó, Tỉnh sẽ ưu tiên huy động, tận dụng nhiều nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất năng lượng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình số 280-CTr/TU ngày 22/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ chính quyền tới người dân cùng đồng lòng xây dựng Hậu Giang trở thành mảnh đất “Đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”. |
Hậu Giang cũng dành ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị sạch, an toàn, thông minh, đặt nền tảng cho phát triển công nghiệp chế biến; phát triển du lịch xanh, bền vững. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 06/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII.
Cùng với phát triển kinh tế, Tỉnh tập trung xây dựng văn hóa, con người Hậu Giang “đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển đô thị, trong đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư để 3 đô thị trọng điểm gồm thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ) trở thành 3 cực phát triển, tạo sức lan tỏa cho các địa phương khác trong Tỉnh; Tăng cường phát triển các đô thị vệ tinh, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 27,9%.
Song song đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của Tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
18 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 1. Kết nạp 2.000 - 2.500 đảng viên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. 2. Phấn đấu đến năm 2025, số hộ có đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 82% và số tổ chức cơ sở của các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh hàng năm đạt trên 85%. 3. Điểm số chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (VIET NAM ICT INDEX) năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu hàng năm, chỉ số PAR INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu; đến năm 2025, chỉ số VIET NAM ICT INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu. 4. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm[ ]. 5. GRDP bình quân đầu người là 77 - 80 triệu đồng. 6. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và III, đến năm 2025 khu vực I còn dưới 22%. 7. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (5 năm) theo giá thực tế từ 99.000 - 100.000 tỷ đồng. 8. Số doanh nghiệp được thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế (5 năm) là 1.000 doanh nghiệp. 9. Tổng thu ngân sách nhà nước (5 năm) từ 44.000 - 45.000 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa là 17.800 tỷ đồng 10. Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ (5 năm) đạt 4.330 triệu USD. 11. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1%. 12. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt từ 70%. Số lao động được tạo việc làm trong 5 năm là 75.000 lao động. 13. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 85% tổng số trường, số sinh viên trên 10.000 người dân là 225 sinh viên. 14. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%; số bác sĩ trên 10.000 dân là 10; số giường bệnh trên 10.000 dân là 36. 15. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95%. 16. Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã; công nhận thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 17. Tỷ lệ dân số ở thành thị sử dụng nước sạch 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 85%. 18. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng đạt 100% kế hoạch. Đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kiềm chế số vụ phạm tội về trật tự xã hội và tai nạn giao thông. |
Hồng Nhì