Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc được đầu tư cơ bản, giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm sâu sắc.

Hiện Việt Nam đã trải qua sáu lần điều chỉnh tiêu chí về nghèo cho phù hợp tình hình thực tế. Từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu... và bây giờ chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Việc áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã hỗ trợ rất lớn trong xây dựng, triển khai và đo lường sự thành công của chính sách dân tộc.

Về phương thức giảm nghèo, Việt Nam chuyển đi từ chỗ Nhà nước phải bảo đảm ngân sách hoàn toàn sang phương thức Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định giai đoạn 2022- 2025 áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới, khiến hộ cận nghèo tăng từ 5,2% năm 2020 lên 9,35% năm 2022.

Song, đồng nghĩa là có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá về kết quả xóa đói giảm nghèo trong những năm qua, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện.

Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Thế nhưng kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao.

Chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều… Chưa kể, hai năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công việc này, khiến cho công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn tới càng khó khăn hơn.

Theo ông Tô Đức, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, chưa bao giờ công tác giảm nghèo quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thời điểm này. Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020. Đó là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương là cách Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu mới của mình trong giai đoạn 2021-2025.

Mạnh Hưng, Thúy Tình, Thu Hằng