Theo hãng tin Sputniks, cuộc phản công của Ukraine thất bại được cho là do mạng lưới công sự phức tạp của Moscow, vốn được dựng lên từ mùa thu năm ngoái dọc theo tiền tuyến, nhằm bảo vệ các lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022. 

Hệ thống "răng rồng" là gì?

"Răng rồng", đôi khi còn được báo chí phương Tây gọi là "răng quỷ", không phải là hàng rào mà là chướng ngại vật chống xe tăng, làm bằng bê tông và có hình kim tự tháp. Chiều cao của mỗi chiếc răng từ 90-120cm. 

Hệ thống răng rồng là một cái bẫy chống xe tăng đặc biệt: Nó không chỉ cản trở cuộc đột kích của xe tăng đối phương mà còn tạo ra ảo tưởng rằng chướng ngại vật này rất dễ vượt qua.

Nếu những chiếc răng được chế tạo và lắp đặt chính xác, xe tăng địch sau khi vượt qua tuyến phòng thủ bê tông đầu tiên sẽ không thể tiến lên hay lùi lại. Chúng sẽ bị mắc kẹt và dễ dàng trở thành mục tiêu của pháo và các vũ khí chống tăng khác. 

Sự lợi hại của những chiếc "răng rồng"

Hệ thống "răng rồng" đã nhiều lần chứng minh được tính hiệu quả cao trong việc chống lại xe tăng. Tuy nhiên, những chướng ngại vật phòng thủ này phải được sử dụng như một phần của cấu trúc phức tạp hơn và phải lắp đặt đúng chỗ, đúng cách. 

Trước khi Ukraine tiến hành cuộc phản công hồi cuối tháng 5, truyền thông nước này đã chia sẻ đoạn video cho thấy xe tăng Challenger-2 của Anh dễ dàng quét sạch những chiếc "răng rồng". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau các nỗ lực phản công dài 3 tháng, Ukraine không đạt được mục tiêu và mất 66.000 người, 7.600 vũ khí. Gần đây nhất, một xe tăng Challenger-2 đã bốc cháy ngay cạnh tuyến phòng thủ của Nga. 

"Răng rồng" được sử dụng lần đầu tiên khi nào?

Hệ thống phòng thủ này được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến II nhằm cản trở khả năng di chuyển của xe tăng chiến đấu chủ lực và bộ binh cơ giới. Nhiệm vụ chính của những chiếc "răng rồng" là làm chậm bước tiến của xe bọc thép đối phương, đưa chúng vào vùng tiêu diệt và phá hủy chúng bằng vũ khí chống tăng. 

"Răng rồng" đã được quân đội một số nước châu Âu sử dụng. Người Đức dùng chúng rộng rãi trên Phòng tuyến Siegfried - một tuyến phòng thủ được xây dựng từ những năm 1930. Hệ thống phòng thủ của Đức trải dài hơn 630km với hơn 18.000 boongke, đường hầm và bẫy xe tăng.

Pháp cũng sử dụng số lượng lớn "răng rồng" để xây dựng Tuyến Maginot, nằm đối diện Tuyến Siegfried của Đức.

Người Anh đã lắp đặt "răng rồng" vào năm 1940–1941 để tăng cường khả năng phòng thủ ven biển của đất nước trước một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Đức.